Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.798,10 USD/ounce vào lúc 2 giờ 30 phút (sáng 25/2 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng để mất 0,4% xuống 1.797,90 USD/ounce.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, Phillip Streible cho biết lợi suất trái phiếu tăng tiếp tục ảnh hưởng xấu đến thị trường vàng. Theo ông, vàng chưa tìm được cách nào để phục hồi vững chắc ngay cả khi Mỹ có các cuộc đàm phán về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên chạm mức 1,4% kể từ tháng 2/2020. Xu hướng tăng lợi suất trái phiếu tác động xấu đến sức hấp dẫn của vàng, vốn được xem như một biện pháp phòng ngừa lạm phát vì nó làm tăng chi phí cơ hội cho những người nắm giữ kim loại quý này.
Trong phát biểu trước Thượng viện Mỹ ngày 24/2, ông Powell nhắc lại rằng lãi suất sẽ vẫn thấp và Fed sẽ tiếp tục mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, Chủ tịch Fed cho rằng chính sách tiền tệ vẫn cần được điều chỉnh, với sự phục hồi kinh tế “không đồng đều và sẽ còn kéo dài”.
Các nhà đầu tư vẫn theo dõi chặt chẽ các diễn biến đối với gói cứu trợ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, vốn có thể góp phần đưa nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, song đi cùng với cái giá là lạm phát gia tăng.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,7% lên 27,82 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 1,7% lên 1.258,50 USD/ounce và giá palladium tăng 3,5% lên 2.431,60 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 15/1/2021.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 25/2, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,05- 56,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).