Giá vàng hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 9 tuần
Giá vàng tại thị trường châu Á hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 9 tuần, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính Mỹ giảm, trong khi các nhà giao dịch chờ đợi dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 2/2 để tìm manh mối về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Cụ thể, cuối phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 2.056,00 USD/ounce. Như vậy, giá vàng giao ngay đã tăng gần 2% trong tuần này, thiết lập mức tăng hàng tuần tốt nhất kể từ đầu tháng 12/2023. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% lên 2.073,40 USD/ounce.
Nhà phân tích Brian Lan tại đại lý vàng GoldSilver Central có trụ sở tại Singapore cho biết: “Fed khó có thể cắt giảm lãi suất trong tháng 3/2024, nhưng những người tham gia thị trường chắc chắn rằng họ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sau đó. Những nhận định này là nhân tố thúc đẩy giá vàng”.
Lãi suất thấp hơn làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn là mặt hàng không sinh lời. Giá vàng giao ngay tăng gần 1% vào ngày 1/2, sau khi dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này tăng mạnh hơn dự kiến vào tuần trước.
Những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ đã làm tăng sức hấp dẫn đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và trái phiếu Chính phủ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang giảm xuống gần mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024.
Giá dầu tăng sau quyết sách của OPEC+
Giá dầu tại thị trường châu Á tăng vào phiên giao dịch ngày 2/2, sau quyết định của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng mình, còn gọi OPEC+, về việc giữ nguyên chính sách sản lượng dầu. Tuy vậy, giá dầu có xu hướng giảm trong tuần này, giữa bối cảnh có những báo cáo không có căn cứ về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Cuối phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 44 xu, tương đương 0,6%, lên 79,14 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 36 xu, tương đương 0,5%, lên 74,18 USD/thùng.
Tại cuộc họp trực tuyến ngày 1/2, Ủy ban Giám sát Chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ đã thống nhất giữ nguyên chính sách sản lượng dầu hiện nay. Các nguồn tin từ OPEC+ cho biết liên minh này dự kiến vào tháng 3/2024 sẽ quyết định có nên duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày hay không. Vào tháng 11/2023, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024, trong đó Saudi Arabia thực hiện mức cắt giảm tự nguyện lớn nhất với 1 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết việc cắt giảm sản lượng sẽ khiến nguồn cung thắt chặt trong quý I/2024, với mức tăng sản lượng ngoài OPEC được thiết lập để cân bằng thị trường và tăng trưởng sản lượng của Mỹ chậm lại trong năm 2024 xuống còn 300.000 thùng/ngày từ mức 800.000 thùng/ngày vào năm ngoái.
Tuy nhiên, giá dầu có xu hướng giảm khoảng 5% trong tuần này do các báo cáo không có căn cứ về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas đã hạn chế đà tăng.
Ông Priyanka Sachdeva, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tài chính Phillip Nova, cho biết: “Các báo cáo gần đây về tiến trình hướng tới lệnh ngừng bắn kéo dài giữa Israel và Hamas, có thể làm giảm bớt căng thẳng địa chính trị hiện tại đang khiến các nhà đầu tư dầu mỏ đứng ngoài cuộc”.
Chứng khoán châu Á biến động bất nhất
Thị trường chứng khoán châu Á biến động bất nhất trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/2, giữa bối cảnh giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu việc làm tháng 1/2024 từ Bộ Lao động Mỹ.
Chỉ số MSCI khi vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 1,2%, phần lớn nhờ vào đà tăng ấn tượng 2,9% của thị trường Hàn Quốc.
Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 5 năm, chứng kiến mức giảm hàng tuần tệ nhất trong 5 năm, bất chấp các dấu hiệu tích cực hơn vào cuối phiên. Hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại đồng loạt "đỏ sàn". Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc không thể duy trì đà tăng trong phiên giao dịch buổi sáng cùng ngày do những lo ngại đang diễn ra về nền kinh tế Trung Quốc và tác động có thể xảy ra từ cuộc khủng hoảng đang diễn ra với nhà phát triển bất động sản China Evergrande. Kết phiên, chỉ số Hang Seng giảm 0,21%, tương đương 32,65 điểm, xuống 15.533,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 1,46%, tương đương 40,59 điểm, xuống 2.730,15 điểm.
Trái lại, thị trường chứng khoán Tokyo lại đóng cửa cao hơn vào phiên 2/2, sau khi chứng kiến đợt phục hồi mạnh mẽ của Phố Wall trong đêm trước, trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ vào cuối ngày. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,41%, tương đương 146,56 điểm, lên 36.158,02 điểm. Công ty chứng khoán Iwai Cosmo Securities cho biết: “Thị trường Nhật Bản tăng cao, đặc biệt là ở các cổ phiếu bán dẫn. Sự gia tăng này diễn ra sau khi chứng kiến kết quả kinh doanh tích cực của Meta và Amazon, dẫn đến sự gia đáng kể của thị trường chứng khoán Mỹ".
Chứng khoán Hàn Quốc tăng gần 3% vào phiên cuối tuần này, được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu công nghệ, ô tô và tài chính sau báo cáo thu nhập vững chắc từ các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Chỉ số Kospi tăng 72,85 điểm, tương đương 2,87%, lên 2.615,31 điểm.