Trọng tâm chú ý của thị trường trong tuần này là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, sau khi biên bản họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuần trước cho thấy đại đa số các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Giá vàng đi xuống ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 10/7), trước khi đảo chiều đi lên trong ba phiên giao dịch liền sau đó nhờ đồng USD suy yếu. Trong khi đó, giới đầu tư vẫn chờ đợi số liệu về CPI của Mỹ - nhân tố có thể tác động tới chính sách lãi suất của Fed - để có định hướng giao dịch.
Bộ Lao động Mỹ ngày 12/7 công bố báo cáo cho thấy CPI tại nước này trong tháng 6/2023 tăng 0,2% so với tháng trước đó và tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng tương ứng 0,2% và 4,8%. Trong khi đó, chỉ số USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm sau khi số liệu cho thấy lạm phát thấp hơn dự kiến, điều cũng khiến thị trường nhận định Fed sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Đáng chú ý, phiên 13/7, chỉ số đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tiếp tục giảm, làm hạ chi phí cơ hội của việc sở hữu các tài sản không sinh lợi như vàng.
Theo số liệu công bố hôm 13/7, giá sản xuất của Mỹ hầu như không tăng trong tháng 6/2023. Giá tiêu dùng của Mỹ cũng tăng nhẹ trong tháng 6/2023, ghi nhận mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn hai năm.
Phillip Streible, chiến lược gia hàng đầu về thị trường tại Blue Line Futures ở Chicago cho biết, theo sau những số liệu kinh tế mới công bố, thị trường vàng đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Vàng có cơ hội tốt nếu có thể nhận được một chất xúc tác khác để đẩy lên mốc 2.000 USD/ounce.
Chuyên gia Brian Lan của GoldSilver Central tại Singapore cho rằng, trọng tâm thu hút sự chú ý của thị trường vẫn là cuộc họp tiếp theo về chính sách lãi suất của Fed và điều này có thể quyết định giá vàng trong ngắn hạn.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/7, giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,1%, xuống 1.959,27 USD/ounce, nhưng vẫn tăng khoảng 1,8% trong tuần qua, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2023. Giá vàng giao kỳ hạn gần như không đổi so với phiên trước, đứng ở mức 1.964,40 USD/ounce.
Vàng đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 16/6/2023 vào đầu tuần này, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ trong tháng 6 ghi nhận mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn 2 năm.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia về thị trường tại RJO Futures, nhận định, giữa bối cảnh lạm phát suy yếu, những đồn đoán về khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất đã dịu đi. Nhân tố này đã hỗ trợ giá vàng trong tuần qua. Tuy nhiên, giá vàng giảm trong phiên cuối tuần do lợi suất trái phiếu tăng.
Tuy nhiên, việc đồng USD ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022 đã kìm hãm đà giảm giá vàng trong phiên 14/7.
Cùng ngày 14/7, giá bạc tăng 0,4% lên 24,95 USD/ounce, hướng tới tuần tăng tốt nhất kể từ giữa tháng Ba. Giá bạch kim tăng 0,1% lên mức 974,03 USD/ounce và giá palladium giảm 1,4% xuống 1.277,18 USD/ounce, nhưng cả hai kim loại quý này đều đón nhận tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.