Kết thúc phiên này, tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 1.925,90 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tiến 1%, lên 1.927,10 USD/ounce.
Giá kim loại quý này đã giảm 2,5% sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 9/11/2020 vào phiên giao dịch ngày 6/1, trong bối cảnh lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng hơn 1% lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.
Kỳ vọng về tỷ lệ lạm phát của Mỹ tăng với đồn đoán lạc quan về gói kích thích kinh tế sau khi đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Thượng viện với chiến thắng trong hai cuộc bầu cử bổ sung tại Georgia đã góp phần hỗ trợ giá vàng trong phiên này. Nhiều nhà đầu tư vẫn coi vàng như một hàng rào chống lại lạm phát và giảm giá tiền tệ, những nguy cơ thường đến từ các biện pháp kích cầu lớn.
Đà tăng khiêm tốn của vàng và lợi suất trái phiếu duy trì ổn định trên 1% đã giúp đồng USD phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều năm. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm cho vàng trở nên đắt đỏ đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Jeffrey Halley, một nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, dự đoán đồng USD sẽ giảm giá cho đến hết năm 2021, lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ tăng nhẹ so với mức hiện tại, còn vàng sẽ chứng kiến thời kỳ “hưng thịnh”.
Lo ngại về bất ổn tăng mạnh sau diễn biến mới nhất tại Điện Capitol của Mỹ. Trong khi đó, biên bản cuộc họp tháng 12/2020 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được công bố cùng ngày cho thấy các nhà hoạch định chính sách Fed gần như nhất trí trong quyết định giữ nguyên chương trình mua trái phiếu.
Cũng trong phiên này, giá bạc giảm 0,1%, xuống 27,27 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,2%, lên 1.104,13 USD/ounce. Còn giá palladium tiến 0,7%, lên 2.454,50 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, chiều 7/1, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,40 - 56,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á tăng gần 1%
Giá dầu châu Á đã tăng gần 1% trong chiều 7/1, nhờ hỗ trợ từ thông tin kho dự trữ dầu của Mỹ giảm cùng quyết định đơn phương cắt giảm sản lượng trong hai tháng tới của Saudi Arabia.
Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 44 xu Mỹ (tương đương 0,8%) lên 54,74 USD/thùng vào lúc 14 giờ 34 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 51 xu Mỹ (khoảng 1%) lên 51,14 USD/thùng, sau khi đã tăng 1,4% trong phiên 6/1.
Giá dầu đi lên sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 8 triệu thùng xuống 485,5 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 1/1, vượt xa mức dự báo giảm 2,1 triệu thùng của thị trường. Giới phân tích cho biết việc dự trữ dầu thô giảm là một diễn biến thường thấy vào cuối năm, do các công ty năng lượng lấy dầu ra khỏi kho để tránh các hóa đơn thuế.
Bên cạnh đó, Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cho biết họ sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 - 3/2020, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu khác bao gồm Nga nhóm họp trước đó trong tuần này.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tư vấn OANDA nhận định dầu WTI nhiều khả năng sẽ còn tăng cao hơn khi chính phủ của Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến hạn chế sản lượng dầu thô của Mỹ. Ngoài ra, việc Saudi Arabia dự kiến giảm sản lượng cùng đồng USD yếu đi đang tăng thêm hỗ trợ cho giá dầu.
Các nhà phân tích cho biết đồng USD yếu sẽ khiến giá dầu rẻ hơn, do hàng hóa này chủ yếu được giao dịch bằng đồng bạc xanh. Trong khi đó, hiện vẫn chưa rõ diễn biến chính trị tại Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường dầu mỏ.
Ông Matt Stanley, nhà môi giới cấp cao tại công ty tư vấn tài chính Star Fuels ở Dubai, nói rằng giới đầu tư vẫn đang chú ý tới phản ứng của thị trường chứng khoán cũng như đồng USD đối với diễn biến chính trị tại Mỹ. Chuyên gia này cho rằng giá dầu nhiều khả năng sẽ dịch chuyển cùng hướng với thị trường chứng khoán.