Trong phiên đầu tuần, giá vàng tại thị trường châu Á phục hồi khi chính phủ Mỹ thông qua gói kích thích khổng lồ đã khiến vàng hấp dẫn hơn như một “hàng rào” chống lạm phát. Giá vàng trong nước theo đó cũng phục hồi và tiến sát mốc 56 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, sang phiên 9/3, giá vàng trong nước đảo chiều đi xuống trong bối cảnh giá vàng thế giới ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng.
Kim loại quý phục hồi trở lại trong phiên 10/3 khi giá vàng thế giới đã tăng hơn 2% theo sau sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và đồng USD yếu hơn.
Đà tăng của giá vàng trong nước tiếp tục được duy trì trong phiên 11/3 khi giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất một tuần giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sau các số liệu lạm phát ở mức thấp.
Kim loại quý trong nước quay đầu giảm nhẹ vào phiên cuối tuần trong bối cảnh giá vàng thế giới rời khỏi mức đỉnh của 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD.
Cuối giờ sáng 13/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 55,35 - 55,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tính chung cả tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 200 - 300 nghìn đồng/lượng.
Còn giá vàng thế giới tăng 1,3% trong cả tuần, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên sau chuỗi ba tuần giảm trước đó.
Các chuyên gia nhận định, gói hỗ trợ COVID-19 mới của Mỹ sẽ “tiếp sức” cho vàng, vốn được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát từ các biện pháp kích thích quy mô lớn. Tuy nhiên, vị thế đó đã bị đe dọa trong năm nay khi lợi suất trái phiếu cao hơn chuyển thành chi phí cơ hội cao hơn khi nắm giữ vàng.
Ross Norman, Giám đốc điều hành tại Metals Daily, nhận xét rằng lợi suất kho bạc Mỹ tăng cùng với đồng USD ngày càng mạnh là những rào cản đối với vàng.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng nhu cầu vàng vật chất ở châu Âu đang rất tích cực trong bối cảnh các chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn. Trung Quốc cũng ghi nhận tình trạng tương tự, tại đây, giá vàng hiện đang được giao dịch ở mức cao hơn 10 USD/ounce so với giá tại London, mặc dù nhu cầu của các quỹ đầu tư đối với kim loại quý là tương đối ảm đạm.
Trong một ghi chú mới nhất, ngân hàng Societe Generale cho biết dòng tiền liên quan tới các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đang góp phần tác động đến giá vàng theo chiều giảm nhiều hơn so với thúc đẩy giá tăng.
Societe Generale từng dự báo giá vàng sẽ đạt mức 1.750 USD/ounce vào năm 2021. Nhưng chính ngân hàng này thừa nhận với sự biến động gần đây của thị trường vàng, dự báo này có độ tin cậy khá thấp.
Ông Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại FXTM cho biết, vàng có thể mở rộng đà tăng trong thời gian tới. Nhưng về cơ bản, các dao động thị trường vẫn theo hướng giá sẽ lại rơi vào vùng suy giảm, đặc biệt khi tính đến tình hình toàn cầu đang cải thiện nhờ hoạt động triển khai vaccine ngừa COVID-19.
Chuyên gia trên nhận định giá vàng có thể quanh mức thấp 1.680 USD/ounce trong ngắn hạn. Nhưng môi trường lợi suất tăng cao hơn có thể chặn một đợt phục hồi đáng kể của kim loại quý này. Trong thời gian tới, vàng nhiều khả năng dao động trong phạm vi 1.700-1.800 USD/ounce khi thị trường cố gắng tìm điểm cân bằng về lợi suất.