Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên mức 1.502,69 USD/ounce vào lúc 16 giờ 24 phút (theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tiến 0,4% lên 1.514,1 USD/ounce.
Hồi thứ Sáu tuần trước (9/8), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông chưa sẵn sàng đi đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng còn đưa ra những tín hiệu có thể hoãn cuộc đàm phán tại Washinton với Trung Quốc vào tháng Chín tới.
Mặc dù Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro sau đó cho biết Mỹ vẫn lên kế hoạch tổ chức vòng đàm phán sắp tới với phía Trung Quốc, song nhà phân tích Daniel Hynes của ngân hàng ANZ cho rằng những lời phát biểu trước đó của ông Trump đã loại trừ khả năng các cuộc đàm phán sẽ sớm đạt được kết quả. Do đó, rủi ro đối với giá vàng đã được loại trừ phần nào.
Ngoài ra, Mỹ hồi tuần trước cũng cáo buộc Trung Quốc là nước “thao túng tiền tệ” sau khi Bắc Kinh cho phép đồng nhân dân tệ (NDT) trượt xuống dưới mức 7 NDT đổi 1 USD. Sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giúp giá vàng tăng gần 6% từ đầu tháng đến nay.
Theo chuyên gia Hynes, nếu tình hình tiếp tục “nóng” lên, triển vọng của giá vàng vẫn tích cực và ổn định ở mức trên 1.500 USD/ounce. Trong ngắn hạn, nhiều khả năng giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,3% xuống 16,99 USD/ounce, trong khi giá bạch kim lùi 0,4% ở mức 855,87 USD/ounce.
Còn tại thị trường trong nước, vào lúc 4 giờ 48 phút chiều 12/8 Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 41,35 - 41,72 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).