Vào lúc 8 giờ 54 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.857,96 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 1.860,50 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giao dịch gần mức cao của 16 tháng, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari ngày 14/11 dự báo lạm phát tiếp tục cao hơn trong vài tháng tới, nhưng cho biết ngân hàng trung ương nước này sẽ không phản ứng quá mức với lạm phát cao do đây có thể chỉ là tạm thời.
Trước đó, ngày 12/11, hai nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể giảm chậm hơn so với dự tính trước đó, chủ yếu do tình trạng tắc nghẽn nguồn cung kéo dài, tuy nhiên ECB sẽ không loại bỏ các biện pháp kích thích quá nhanh.
Vàng vốn được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ được đưa ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong đại dịch COVID-19, tuy nhiên, bất kỳ đợt tăng lãi suất nào cũng sẽ làm giảm sức hấp hấp của kim loại quý không sinh lời như vàng.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) được dự báo sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên nâng lãi suất, song thời điểm vẫn chưa được xác định. Chưa rõ BoE sẽ tiến hành tăng lãi suất vào tháng tới hay chờ cho đến đầu năm 2022.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,1% xuống 25 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,6% xuống 1.075,91 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,9% xuống 2.088,96 USD/ounce.
Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 57,95 - 60,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối tuần qua.