Giá vàng phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tuần
Giá vàng tại châu Á tăng trong phiên 27/6, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần vào phiên trước, trong khi các nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát của Mỹ để dự báo việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có sớm hạ lãi suất hay không.
Giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 2.303,8 USD/ounce vào lúc 15 giờ 16 phút (theo giờ Việt Nam). Giá kim loại quý này giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 10/6 trong phiên trước.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1%, lên 2.314,4 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,1%, sau khi chạm gần mức cao nhất trong gần hai tháng, khiến vàng đắt hơn cho những người mua bằng các đồng tiền khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng ổn định.
Theo nhà phân tích thị trường tại Exinity Group, Han Tan, giá vàng nhận được sự hỗ trợ từ việc đồng USD yếu hơn và việc giá giảm xuống dưới 2.300 USD/ounce kể từ tháng 4/2024 là xu hướng ngắn hạn. Nếu khả năng Fed hạ lãi suất vào cuối năm 2024 giảm, vàng có thể khó duy trì trên mức 2.300 USD/ounce.
Các nhà giao dịch hiện đang nhận định có 62% khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9/2024.
Trong phát biểu ngày 26/6, thành viên Hội đồng thống đốc thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bà Michelle Bowman, nhắc lại quan điểm cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm nếu lãi suất được duy trì ổn định và việc hạ lãi suất sẽ phù hợp nếu lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2%.
Các số liệu được công bố trong tuần này có GDP quý I/2024 dự kiến vào lúc 19 giờ 30 phút (theo giờ Việt Nam) và số liệu về lạm phát chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày 28/6.
Theo nhà phân tích thị trường tại KCM Trade, Tim Waterer, nếu chỉ số PCE lõi khiến các thị trường tài chính bi quan về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất, giá vàng có thể giảm xuống 2.270 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, lúc 14 giờ ngày 27/6, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu giảm do lo ngại về nhu cầu của Mỹ
Giá dầu giảm khi dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng gây lo ngại về nhu cầu thấp của nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, dù mức giảm được hạn chế khi nguy cơ leo thang xung đột tại Dải Gaza có thể làm gián động nguồn cung từ Trung Đông.
Giá dầu Brent giảm 6 xu Mỹ, hay 0,1%, xuống 85,19 USD/thùng vào lúc 13 giờ 35 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 10 xu Mỹ, hay 0,1%, xuống 80,8 USD/thùng.
Cả hai loại dầu cùng chốt phiên trước tăng nhẹ.
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước, trong khi các nhà phân tích tham gia khảo sát dự báo giảm 2,9 triệu thùng.
Trong khi đó, lo ngại về xung đột tại Dải Gaza lan sang Lebanon đã hạn chế mức giảm của giá dầu.
Tại Trung Đông, căng thẳng dọc biên giới giữa Israel và lực lượng Hezbollah của Lebanon leo thang trong những tuần gần đây, gây lo ngại về một cuộc chiến tổng lực có thể cuốn theo các nước như Iran, quốc gia sản xuất lớn về dầu mỏ.
Chứng khoán châu Á trong xu hướng giảm
Các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên này, khi các nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát quan trọng sẽ được công bố vào cuối tuần.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) chốt phiên giảm 2,06%, hay 373,46 điểm, xuống 17.716,47 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,9%, hay 26,67 điểm, xuống 2.945,85 điểm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,82%, hay 325,53 điểm, xuống 39.341,54 điểm.
Các nhà đầu tư bán ra sau khi tập đoàn sản xuất chip Micron Technology đưa ra một triển vọng hoạt động khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu thất vọng.
Trong khi đó, các nhà giao dịch cũng đang theo dõi diễn biến của đồng yen, khi đồng tiền này giảm xuống 160,87 yen/USD, mức thấp nhất trong 38 năm.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng đi xuống sau khi Micron Technology công bố lợi nhuận.
Chỉ số Kopsi của Hàn Quốc giảm 0,29%, hay 7,99 điểm, xuống 2.784,06 điểm.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 2,15 điểm (0,17%) xuống 1.259,09 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,39 điểm (0,16%) lên 240,07 điểm.