Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.781,50 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 30/11 là 1.768,60 USD/ounce trong phiên trước đó. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tiến 0,4%, lên 1.780.40 USD/ounce.
Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Jeffrey Halley, cho biết lợi suất trái phiếu của Mỹ đang trượt xuống từ các mức cao trước đó, hỗ trợ giá vàng đi lên. Ông nhấn mạnh, "có vẻ như các khách hàng từ Trung Quốc đã trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán". Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã rời khỏi mức đỉnh gần một năm vào ngày 17/2. Lợi suất thấp hơn làm giảm chi phí nắm giữ vàng thỏi, vốn không sinh lời.
Trong biên bản cuộc họp tháng 1/2021, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chuẩn bị cho việc giữ chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm giúp nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Các nhà đầu tư vẫn tập trung vào tiến trình triển khai gói kích thích kinh tế liên quan đến dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ. Doanh số bán lẻ của Mỹ đã phục hồi trong tháng Một vừa qua, trong khi chỉ số giá sản xuất của nước này tăng mạnh nhất kể từ năm 2009, cho thấy lạm phát đang bắt đầu gia tăng.
Michael Langford, Giám đốc công ty cố vấn AirGuide, cảnh báo rằng các loại tài sản khác cũng như các loại hàng hóa đang mở ra một kênh đầu tư hấp dẫn hơn vàng hiện nay.
Cũng trong phiên này, giá bạc giảm 0,7%, xuống 27,17 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,3%, lên 1.256,86 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium tăng 0,1%, lên 2.372,59 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, chiều ngày 18/2, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,05 - 56,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á chạm mức cao nhất của 13 tháng
Giá dầu châu Á phục hồi và đạt mức cao nhất của 13 tháng trong chiều 18/2, do những lo ngại về tình trạng gián đoạn sản lượng dầu thô của Mỹ có thể kéo dài đã thúc đẩy hoạt động mua vào.
Phiên này, giá dầu Brent tăng 56 xu Mỹ (tương đương 0,9%) lên mức 64,90 USD/thùng lúc 14 giờ 44 phút (theo giờ Việt Nam). Trước đó cùng phiên, giá dầu Brent đã có lúc tăng lên 65,62 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 20/1/2020.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 46 xu Mỹ (0,8%) lên 61,60 USD/thùng, sau khi đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 là 62,26 USD/thùng.
Ông Hiroyuki Kikukawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Nissan Securities cho biết giá dầu đã tăng trở lại trong phiên này do nhận định rằng sự gián đoạn của các nhà sản xuất và lọc dầu ở Texas có thể kéo dài trong một thời gian.
Tình trạng băng giá khắc nghiệt của Texas đã bước sang ngày thứ sáu liên tiếp, khiến hoạt động lọc dầu tại bang sản xuất năng lượng lớn nhất ở Mỹ bị đình trệ. Việc các trung tâm sản xuất dầu và khí đốt tại Texas phải đóng cửa cũng ảnh hưởng tới nước láng giềng Mexico.
Theo các nhà phân tích của Wood Mackenzie, sản lượng dầu của Mỹ đã phải cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày và có thể mất vài tuần trước khi được khôi phục hoàn toàn.
Bên cạnh đó, chuyên gia Kikukawa cũng nhận định với hy vọng về các biện pháp kích thích kinh tế mới tại Mỹ và việc triển khai rộng rãi vaccine ngừa COVID-19, giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong giai đoạn tới. Ông dự đoán rằng giá dầu WTI có thể “thử sức” với ngưỡng 65 USD/thùng.
Sự phục hồi của giá dầu trong những tháng gần đây cũng được hỗ trợ bởi tình trạng thắt chặt nguồn cung trên toàn cầu. Phần lớn điều này do kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất "vàng đen" lớn ngoài khối, bao gồm Nga.
Một số nguồn thạo tin của OPEC tiết lộ rằng tổ chức trên có khả năng nới lỏng kế hoạch kiểm soát nguồn cung sau tháng 4/2021 do giá “vàng đen” đã phục hồi.
Chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm phiên chiều 18/2 do các nhà đầu tư chốt lời và ngày càng lo ngại về lạm phát, vốn được bù đắp cho sự lạc quan lâu dài về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, trong bối ảnh vaccine ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được triển khai, tỷ lệ nhiễm dịch bệnh giảm và các gói cứu trợ kinh tế của Chính phủ Mỹ được quốc hội thông qua.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,2% xuống 30.236,09 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,6% xuống 30.595,27 điểm. Thị trường Hong Kong giảm hơn 1% sau khi tăng liên tiếp bảy phiên trước đó.
Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) lại tăng 0,6% lên 3.675,36 điểm.
Chứng khoán Singapore, Seoul, Manila, Wellington, Mumbai và Bangkok cũng hòa chung xu hướng giảm. Ngược lại, thị trường chứng khoán Jakarta tăng điểm.
Niềm tin vào việc nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi sụt giảm trong năm vừa qua, tác động tốt tới thị trường chứng khoán toàn cầu và các tài sản rủi ro khác trong nhiều tháng qua, trong bối cảnh các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho phép mọi người dần dần quay trở lại trạng thái bình thường và tình trạng phong tỏa được nới lỏng.
Niềm tin trên có được nhờ các gói chi tiêu lớn của chính phủ nhiều nước, các chính sách tiền tệ siêu lỏng của ngân hàng trung ương và cam kết tiếp tục hỗ trợ cho đến khi việc phục hồi diễn ra tốt đẹp.
Tuy nhiên, điều này dẫn tới kỳ vọng lạm phát tăng vọt và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng một năm qua, cùng với đó là những cảnh báo về chi phí đi vay cao hơn. Chính những lo ngại và cảnh báo trên ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Các mối lo ngại của giới đầu tư được giảm bớt khi doanh số bán lẻ ở Mỹ trong tháng vừa qua cao hơn kỳ vọng và lạm phát bán buôn tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ khi chỉ số này được cải tiến vào tháng 12/2009.
Tại Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/2, chỉ số VN-Index tăng 1,61% lên 1.174,38 USD/ounce, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,17% lên 230,96 điểm.