Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.879,71 USD/ounce vào lúc 15 giờ 5 phút (theo giờ Việt Nam), với một số nhà đầu tư cũng tận dụng việc vàng trượt giá xuống mức thấp nhất của một tháng trong phiên 28/10 để mua vào kim loại quý này.
Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,1% lên mức 1.880,10 USD/ounce.
Đà tăng của đồng USD đã chững lại trong phiên chiều 19/10 trên thị trường châu Á, khi chỉ số đồng USD rời khỏi mức cao nhất của một tuần ghi nhận trong phiên ngày 28/10.
Bà Vandana Bharti, một quản lý cấp cao của bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại công ty tài chính SMC Comtrade, cho biết những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử ở Mỹ và kỳ vọng về sự chững lại của chỉ số USD đang thúc đẩy vàng lên cao hơn.
Ngoài ra, số ca mắc COVID-19 mới ở các nền kinh tế lớn như Pháp và Đức đang gia tăng, buộc chính phủ tại những quốc gia này một lần nữa phải áp đặt các hạn chế đi lại. Giữa bối cảnh như vậy, không khó hiểu tại sao nhiều nhà đầu tư chọn vàng để “trú ẩn an toàn”.
Còn trong một báo cáo ngắn gửi tới khách hàng, công ty dịch vụ tài chính MKS PAMP cho biết thời gian tới giá vàng sẽ vẫn dao động trong biên độ 1.870 - 1.880 USD/ounce. Các động lực chính trong ngắn hạn vẫn là dòng vốn của thị trường Mỹ và hướng đi của đồng USD.
Hiện giới đầu tư đang tập trung vào cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Theo các phân tích, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ trì hoãn triển khai các biện pháp mới tại cuộc họp ngày hôm nay, thay vào đó là gợi ý sẽ có hành động vào tháng 12 tới.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,6% xuống 23,28 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 0,3% lên 870,02 USD/ounce.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên ngày 29/10, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,80 - 56,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á tiếp tục giảm
Trong phiên giao dịch chiều 29/10, giá dầu châu Á tiếp tục đà giảm sau khi giảm 5% trong phiên trước đó, trong bối cảnh nhiều nước tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế làn sóng lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai và nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu mỏ toàn cầu tăng, làm giá “vàng đen” lao dốc.
Vào lúc 14 giờ 43 phút ngày 29/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 12 xu Mỹ (hay 0,31%) xuống 39 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 8 xu Mỹ (0,21%) xuống 37,31 USD/thùng.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới tăng cao tại châu Âu, Pháp sẽ yêu cầu mọi người ở nhà trừ các hoạt động thiết yếu từ ngày 30/10, trong khi Đức sẽ đóng cửa quán bar, nhà hàng và nhà hát từ ngày 2/11 đến hết tháng này.
Chiến lược gia Margaret Yang thuộc DailyFX nhận định triển vọng nhu cầu năng lượng bị tác động xấu bởi làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai đang “càn quét” ở Mỹ và phần lớn các nước ở châu Âu. Theo đó, các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa có thể đem đến ảnh hưởng xấu hơn kỳ vọng đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Tổ chức nghiên cứu của ANZ lưu ý sự trỗi dậy của đại dịch COVID-19 đang gây áp lực buộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn được gọi OPEC+, trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác vào tháng 1/2021. OPEC+ có kế hoạch hạ mức độ cắt giảm sản lượng dầu kể từ tháng 1/2021 từ 7,7 triệu thùng/ngày hiện tại xuống còn khoảng 5,7 triệu thùng/ngày.
Số liệu ngày 28/10 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến khi tăng thêm 4,3 triệu thùng dầu trong tuần trước (tính đến ngày 23/10) cũng là yếu tố gây áp lực lên giá dầu.
Trong khi đó, triển vọng về bất kỳ sự thay đổi nào trong tranh chấp thương mại gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, vẫn chưa rõ ràng.
Ngoài ra, giá dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi gói kích thích kinh tế mới của Mỹ khó có thể được thông qua cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tuần tới, đồng thời nguồn cung dầu mỏ của Libya tăng.