Vào lúc 13 giờ 55 phút (theo giờ Việt Nam), tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.310,26 USD/ounce, sau khi đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 14/2 là 1.309,55 USD/ounce trong cùng phiên. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng để mất 0,2% xuống 1.313,1 USD/ounce.
Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có “màn trình diễn” tốt hơn kỳ vọng trong quý IV/2018 và giúp Tổng sản phẩm quốc nội) cả năm 2018 đạt mức tăng trưởng 2,9%. Con số này cao hơn mức tăng 2,2% của năm 2017 và gần bằng mục tiêu 3% được đề ra.
Sau khi báo cáo trên được công bố, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã tăng 3,1 điểm cơ bản. Lợi suất cao hơn có thể khiến nhu cầu về đồng USD tăng vì đồng tiền này được sử dụng để mua trái phiếu - vốn cũng là một kênh đầu tư “trú ẩn an toàn” truyền thống - qua đó làm xói mòn sức hấp dẫn của vàng.
Diễn biến này đã giúp Chỉ số đồng USD, “thước đo” sức khỏe của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, hồi phục từ mức thấp của 3 tuần và tăng lên mức cao của 10 tuần so với đồng yen Nhật Bản trong phiên này.
Trong một lưu ý gửi cho khách hàng, công ty giao dịch vàng Wing Fung cho biết kim loại quý này đã mất sự hỗ trợ từ mức 1.320 USD/ounce.
Trong khi đó, phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và tin tức tiêu cực về triển vọng đàm phán thương mại Trung Quốc - Mỹ đã không đủ mạnh để trợ lực cho giá vàng tăng lên cao hơn.
Nhà phân tích Wang Tao của Reuters nhận định giá vàng có thể phá vỡ mức hỗ trợ 1.311 USD/ounce và rơi xuống mức 1.299 USD/ounce.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạch kim phiên này gần như không đổi ở mức 869,87 USD/ounce, trong khi giá bạc để mất 0,6% xuống 15,51 USD/ounce.