Chiều phiên này, tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 1.867,47 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn ổn định ở mức 1.870,20 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,3% trong phiên này so với rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, qua đó giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng ngoại tệ khác.
Michael Langford, Giám đốc công ty tư vấn AirGuide cho biết, giữa bối cảnh thị trường chịu tác động nhiều bởi diễn biến của đại dịch COVID-19 và thỏa thuận cứu trợ kinh tế mới của Mỹ, vàng có thể sẽ “giậm chân tại chỗ” trong những tuần tới và bất kỳ đà tăng nào sẽ bắt nguồn từ những yếu tố bất ổn mới.
Ngày 22/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật chi tiêu tạm thời để kéo dài hoạt động của các cơ quan của Mỹ thêm một tuần, tuy nhiên tuyên bố sẽ không ký dự luật về gói cứu trợ COVID-19 mới trị giá khoảng 900 tỷ USD nếu gói cứu trợ này không được điều chỉnh.
Jigar Trivedi, nhà phân tích hàng hóa tại công ty tư vấn Anand Rathi Shares có trụ sở tại Mumbai dự báo, giá kim loại quý này có thể phục hồi vào năm 2021 với mức kháng cự gần mức cao kỷ lục là 2.072,5 USD.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết Chính phủ Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong dịp Giáng sinh vì một chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 đã nằm "ngoài tầm kiểm soát". Điều này làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Cũng trong phiên này, giá bạc tăng 1,2%, lên 25,43 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,9%, lên 1.011,36 USD/ounce. Còn giá palladium cũng tiến 0,6%, lên 2.328,42 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 41 phút ngày 23/12, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 55,00-55,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á giảm trong phiên 23/12 sau báo cáo về dự trữ dầu của Mỹ
Giá dầu tại thị trường châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 23/12 sau khi báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về gói cứu trợ COVID-19 trị giá khoảng 900 tỷ USD.
Vào lúc 15 giờ 14 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 38 xu Mỹ (0,8%) xuống 49,70 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 40 xu Mỹ (0,9%) xuống 46,62 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm gần 2% vào thứ Ba (22/12) và là phiên thứ hai liên tiếp giảm.
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ngày 22/12 cho biết, dự trữ dầu của Mỹ tăng 2,7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 18/12 so với dự báo giảm 3,2 triệu thùng của các nhà phân tích.
Các chuyên gia cho biết giá dầu cũng bị ảnh hưởng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá gần 892 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua nếu dự luật này không được điều chỉnh.
Chứng khoán châu Á phục hồi trong phiên chiều 23/12
Chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong chiều 23/12, đảo ngược đà bán tháo của 2 phiên trước đó. Nhà đầu tư cũng chưa phản ứng nhiều sau nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về gói hỗ trợ COVID-19 mới trị giá khoảng 900 tỷ USD.
Chứng khoán Nhật Bản phục hồi và kết thúc phiên 23/12 trong sắc xanh nhờ hoạt động mua vào của nhà đầu tư. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tiến 88,4 điểm (0,33%) lên 26.524,79 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng tăng, chứng khoán Hàn Quốc phiên này tăng gần 1% sau khi "lao dốc" trong phiên trước đó, nhờ nhận được hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu công nghệ. Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul tiến 26,14 điểm (0,96%) lên khép phiên ở mức 2.759,82 điểm.
Thị trường Trung Quốc đồng loạt đi lên trong phiên này, với chứng khoán Hong Kong dứt chuỗi ba phiên giảm điểm liên tiếp. Chỉ số Hang Seng tăng 223,85 điểm (0,86%) lên 26.343,10 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cộng thêm 25,54 điểm (0,76%) lên 3.382,32 điểm.
Các thị trường chứng khoán Sydney, Jakarta cũng đi lên sau những phiên giảm điểm gần đây, còn Wellington tiếp tục kéo dài chuỗi tăng. Trong khi đó, Singapore và Manila lại đi xuống.
Chứng khoán thế giới đã bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây, khi số ca mắc COVID-19 mới gia tăng trên khắp toàn cầu và một chủng mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn đã được phát hiện ở Vương quốc Anh. Những diễn biến này buộc các chính phủ phải áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại chặt chẽ để ngăn chặn dịch bệnh trong giai đoạn mùa lễ hội cuối năm.
Tình hình dịch COVID-19 đáng lo ngại đã làm lu mờ việc triển khai vắc-xin ngừa COVID-19 cũng như tin tức rằng Quốc hội Mỹ cuối cùng đã đưa ra một gói giải cứu kinh tế trị giá khoảng 900 tỷ USD.
Một diễn biến đáng chú ý trong phiên này là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá khoảng 900 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua nếu dự luật này không được điều chỉnh.
Ông Trump yêu cầu Quốc hội Mỹ sửa đổi dự luật và tăng trợ cấp từ mức 600 USD hiện nay lên thành 2.000 USD hay 4.000 USD cho mỗi cặp vợ chồng, bên cạnh việc loại bỏ những điều khoản lãng phí và không cần thiết.
Chuyên gia Jeffrey Halley của công ty tư vấn OANDA cho biết phản ứng đầu tiên của thị trường châu Á dường như là Tổng thống Trump đang "nói quá". Hoặc ngay cả khi ông phủ quyết gói kích thích, Quốc hội Mỹ sẽ nhanh chóng hành động với số phiếu cần thiết để đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống. Ông Halley cho rằng các thị trường có vẻ chưa muốn “nhấn nút” bán cho đến khi tình hình sáng tỏ.
Trong khi đó, chiến lược gia Ilya Spivak của DailyFX cảnh báo diễn biến này có thể trở thành một chất xúc tác để thúc đẩy làn sóng bán tháo trên thị trường.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/12, chỉ số VN - Index giảm 4,55 điểm (0,42%) xuống 1.078,9 điểm. HNX - Index tăng 2,4 điểm (1,28%) lên 190,25 điểm.