Chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng, đặc biệt là vàng miếng SJC trong ngày vía Thần Tài được các doanh nghiệp kinh doanh vàng kéo dãn rộng từ 1 triệu đến hơn 1,4 triệu đồng/lượng, trong khi chênh lệch thường ngày chỉ ở mức 400.000 - 600.000 đồng. Với mức chênh lệch này, người mua vàng đã bị lỗ ngay hơn 1 triệu đồng/lượng nếu bán ra trong ngày 31/1.
Theo đó, giá vàng tại hệ thống Doji tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giao dịch là 66,10 – 67,10 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với phiên trước; giá vàng SJC tại Phú Quý mua vào – bán ra là 66,20 – 67,20 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với phiên trước.
Tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, giá vàng giao dịch đồng loạt ở mức 66,20 – 67,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng mua vào, tăng 200.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước. Ở hệ thống PNJ TP Hồ Chí Minh, giá vàng thương hiệu này giao dịch 54,50 – 55,80 triệu đồng, giá không đổi so với phiên trước.
Trong ngày vía Thần Tài, ngày 31/1 tại Hà Nội, ở các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy, Hàng Bạc… nhiều người dân đã dậy sớm đi mua vàng với quan niệm cầu may. Các cửa hàng vàng đã mở cửa từ sớm và tung ra nhiều sản phẩm mới lạ để phục vụ khách cầu may đầu năm. Thế nhưng, thay vì phải chờ nhiều tiếng đồng hồ mới đến lượt, năm nay khách hàng chỉ mất khoảng 15 phút đợi.
Tuy nhiên, tới buổi trưa 31/1, lượng khách tới giao dịch vàng đông hơn nhiều lần, nhiều cửa hàng ở Hà Nội kẹt cứng, khách phải ngồi ngoài chờ. Tại hệ thống Bảo Tín Minh Châu, nhân viên liên tục thông báo về giá vàng, nhắc khách hàng chuẩn bị sẵn tiền mặt để giao dịch cho thuận tiện, nhanh chóng, nhường không gian cho những người phía sau.
Nhiều khách đến mua trực tiếp hoặc nhận vàng vào đúng ngày vía Thần Tài đã đặt mua online những sản phẩm vàng trang sức nhỏ, một chỉ, nửa, mạ vàng, vàng 24K hoặc mua vàng nhẫn 2 - 5 chỉ, vàng miếng. Tới chiều cùng ngày, lượng khách đến giao dịch đã giảm nhiều so với sáng 31/1.
Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài, vị thần biểu trưng cho tiền bạc, may mắn và sự giàu có. Khách hàng thường mua 0,5 - 3 chỉ để cầu may, nên việc giá vàng tăng hay giảm trong ngày này không thực sự quan trọng với nhiều người. Tuy vậy, không như mọi năm, giá vàng ngày vía Thần Tài năm nay không có sự biến động, khiến khách hàng cũng bất ngờ.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay giảm 4,1 USD xuống còn 1.922,9 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.922,9 USD/ounce, giảm 6,5 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Xuân Dũng, Trưởng bộ phận kinh doanh vàng của Phú Quý nhận định: “Trong ngày vía Thần Tài, giá vàng SJC không có biến động lớn. Sau mấy ngày mở cửa, từ mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, cũng xuất hiện tình trạng người mua bán chốt lời vàng miếng SJC. Do đó, giá vàng SJC hạ hơn so với thời điểm mùng 6 tháng Giêng Âm lịch. Hiện, chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới vẫn tăng nhiều do Ngân hàng Nhà nước không cấp phép để đấu thầu, các sản phẩm giao dịch trên thị trường có sẵn. Do nhu cầu bán đối với vàng SJC không nhiều, dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới”.
Còn ông Nguyễn Thế Hùng - Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: Giá vàng ngày vía Thần tài không tăng, nhưng lượng giao dịch lớn nhất trong năm. Trái với mọi năm, năm nay, sát ngày vía Thần tài, giá vàng bất ngờ giảm cả nửa triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC tiến về mốc 68 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn quanh mốc 55 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước ảnh hưởng ít nhiều từ giá vàng thế giới, hiện giá thế giới giảm, nên trong nước có xu hướng giảm nhẹ.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, thị trường vàng hiện cạnh tranh không hoàn hảo (không nhiều người mua, người bán và không hình thành giá bình quân) nên chỉ cần một lực bán khoảng 1.000 lượng đã đủ khiến thị trường xoay chiều.
Để giảm thiểu rủi ro xuất phát từ những nhóm đầu cơ trong dịp này, các nhà kinh doanh vàng thường nới rộng biên độ mua bán và điều chỉnh liên tục sau ngày vía Thần Tài. Không chỉ sau một ngày mà nhiều ngày sau đó, giá vàng có xu hướng hạ nhiệt đáng kể.
Cụ thể: 6 trong 10 năm gần nhất ghi nhận giá vẫn đi xuống sau nửa tháng với mức giảm phổ biến khoảng 300.000 đồng một lượng, cũng có năm (như 2013), giá giảm gần 2 triệu đồng. Riêng 2022 là trường hợp ngoại lệ khi giá vàng vẫn tăng bền bỉ sau dịp vía Thần Tài. Từ mức đóng cửa 62,2 triệu đồng vào ngày này, giá tăng lên 63,2 triệu sau một tuần và lên 65,8 triệu sau nửa tháng. Tuy nhiên, diễn biến này được các chuyên gia đánh giá có nguyên nhân bất thường là giá thế giới không ngừng tăng do căng thẳng Nga - Ukraine leo thang và lo ngại lạm phát kéo dài.