Cụ thể, chỉ số đồng USD trong rổ ngoại tệ dự trữ đã tăng 0,798%, lên 104,840, mức cao nhất kể từ khi đạt 104,92 vào ngày 12/12/2002. Trong khi đó, đồng euro lại giảm 1,38%, chốt phiên với tỷ giá 1 euro đổi 1,0366 USD sau khi từng có lúc giảm xuống mức 1,0352 USD - mức thấp nhất kể từ ngày 3/1/2017.
Tuần trước, FED đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm % - mức điều chỉnh tăng lớn nhất trong 22 năm và hiện giới đầu tư đang tiếp tục theo dõi sát sao động thái của FED. Theo giới phân tích, các nhà đầu tư cho rằng thể chế tài chính này sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 6 tới.
Trong năm qua, các tài sản có nguy cơ như chứng khoán chịu nhiều áp lực. S&P 500 - một trong 3 chỉ số chứng khoáng chủ lực của Mỹ thông báo mức giảm tới 20% so với mức điểm cao kỷ lục của chỉ số này.
Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số chính trên Phố Wall biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 12/5. Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống 31.730,30 điểm, đánh dấu phiên giảm điểm thứ sáu liên tiếp. Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng giảm 0,1% xuống 3.930,08 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq lại tăng nhẹ 0,1% lên 11.370,96 điểm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã trấn an giới đầu tư bằng khẳng định FED có khả năng làm giảm lạm phát không đẩy kinh tế rơi vào suy thoái nhờ một loạt các yếu tố hỗ trợ như thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ, chi tiêu hộ gia đình cân đối, nợ thấp và một khu vực ngân hàng lành mạnh.
Trong diễn biến liên quan, Thượng viện Mỹ ngày 13/5 xác nhận ông Jerome Powell sẽ tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch FED trong nhiệm kỳ thứ hai. Diễn biến này đã được dự đoán từ trước và mở đường cho FED tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua.