Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động từ 35.000 – 38.000 đồng/kg. Các tỉnh thành như Bắc Giang, Hưng Yên và Hà Nội hiện thu mua lợn hơi chung mức 36.000 đồng/kg. Tại Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ, lợn hơi đang được thu mua ở mức thấp nhất khu vực là 35.000 đồng/kg. Những địa phương còn lại có mức giao dịch cao nhất là 38.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thu mua lợn hơi dao động từ 38.000 – 43.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, thị trường lợn hơi thu mua trong khoảng từ 41.000 – 43.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi đi xuống khiến lợn thịt quá lứa cũng ứ đọng khoảng 30%. Hiện giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành từ 45.000-50.000 đồng/kg. Chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg. Vì vậy, với tình hình này, người chăn nuôi thua lỗ nặng. Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì với mức ổn định.
Tuy giá lợn hơi ở khu vực miền Bắc có giá dưới 38.000 đồng/kg, nhưng giá thịt lợn bán lẻ tại Hà Nội, địa phương cần được cung cấp bổ sung nguồn lợn thịt từ các địa phương khác vẫn ở mức khá cao.
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá thịt lợn đang ở mức từ 80.000 - 120.000 đồng/kg. Cụ thể tại chợ phường Yên Hòa, Cầu Giấy, giá các loại sườn, thịt ba chỉ vẫn ở mức từ 110.00-120.000 đồng/kg, các loại thịt còn lại từ 90.000-110.000 đồng/kg. Còn tại chợ dân sinh khu vực Hà Đông, giá thịt lợn thấp hơn một chút, dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg; trong đó, sườn, ba chỉ có giá 100.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, giá thịt lợn hiện đã giảm gần đây do giá lợn hơi giảm. Cùng với đó, do lưu thông đi lại thuận lợi hơn, các tiểu thương tại các chợ đều được bán hàng trở lại. Nguồn cung dồi dào nên giá cả hạ nhiệt so với thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng, sức mua của người dân thấp.
Tuy giá thịt lợn có giảm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, mức giá trên vẫn còn khá cao so với giá lợn hơi xuất chuồng. Theo Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thịt vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, thị trường bị tác động lớn bởi dịch bệnh và yếu tố tâm lý. Dịch COVID-19, số lượng người bán hàng giảm, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn hơn, một bộ phận người tiêu dùng đã mua tích trữ thực phẩm; trong đó có thịt lợn để hạn chế số lần đi chợ. Do vậy, giá thịt lợn giảm chậm hơn so với giá lợn hơi.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá lợn hơi vẫn quá cao. Nguyên nhân do khâu trung gian, phân phối có bất cập khiến giá lợn hơi xuất chuồng và giá thịt lợn bán lẻ vẫn ở mức cao.
Còn theo các tiểu thương, việc lưu thông, vận chuyển các mặt hàng thực phẩm, thịt lợn, gia cầm... khó khăn, chi phí phát sinh tăng cao. Lợn từ các địa phương về Hà Nội vẫn phải “gánh” các loại phí trong vận chuyển cao, điển hình như chi phí xét nghiệm của lái xe, giá xăng dầu cao…
Ngoài yếu tố khách quan là dịch COVID-19, nhiều ý kiến cho rằng, giá lợn hơi giảm một phần do thịt lợn giá rẻ nhập khẩu từ nước ngoài tràn lan trên thị trường, ép giá thịt lợn trong nước giảm mạnh.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 8 tháng, nhập khẩu thịt lợn đạt hơn 256,8 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 507,8 triệu USD, tăng 62,2% về lượng và tăng 83,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Lượng nhập khẩu thịt lợn đông lạnh tiếp tục tăng nhanh, do các nước xuất khẩu lớn như EU, Brazil... dư thừa về sản lượng, có giá rẻ hơn so với giá thành sản xuất của Việt Nam.
Trước tình trạng trên, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ. Trong khi phần lớn các sản phẩm chăn nuôi trong nước hiện nay đang bán dưới giá thành sản xuất và không tiêu thụ được.
Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp nhằm khuyến khích sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển; Mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc lưu thông, khôi phục sản xuất chăn nuôi, nhất là để người sản xuất kinh doanh, chăn nuôi được tiếp cận tốt nhất với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người và vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, khi phương tiện vận chuyển và người trên phương tiện vận chuyển đủ điều kiện phòng chống dịch thì cho vận chuyển lưu thông hàng hóa, không nên phát sinh thủ tục hành chính. Các tỉnh thành cần có văn bản chỉ đạo thống nhất xuống cấp huyện, xã, ấp, thôn, bản. Đồng thời, tổ chức kết nối các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có.