Chỉ số MXV- Index giảm không đáng kể 0,11%, ở mức 2.105 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt 5.100 tỷ đồng. Thời gian gần đây, giá hàng hóa liên tục biến động theo diễn biến cung - cầu và địa chính trị.
Đáng chú ý, sức mạnh của đồng USD tăng đáng kể đã gây sức ép lên giá dầu và kim loại. Ở diễn biến khác trong ngày giao dịch hôm qua, giá cà phê Robusta tiếp tục xác lập kỷ lục mới do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn trong bối cảnh căng thẳng tại biển Đỏ gia tăng.
Giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp khi đồng USD tăng vọt
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 16/1, giá dầu ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp do đồng USD tăng vọt hạn chế sức mua so với các đồng tiền thương mại khác. Ngoài ra, nguồn cung từ Nga tiếp tục gia tăng trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bắt đầu thực hiện cắt giảm sản lượng gần 2,2 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận mới nhất, cũng góp phần gây áp lực lên giá dầu.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,37% xuống 72,52 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent không thay đổi so với mức tham chiếu khi vẫn duy trì ở mức 78,29 USD/thùng.
Chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị đồng USD, đã tăng 0,93% lên 103,36 điểm, mức cao nhất trong vòng 1 tháng. Bình luận diều hâu từ Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Christopher Waller đã giảm bớt kỳ vọng của thị trường về khả năng FED sẽ hạ lãi suất vào tháng 3. Ông cho biết mặc dù Mỹ đang ở trong khoảng cách ấn tượng với mục tiêu lạm phát 2% của FED, nhưng FED không nên vội vàng cắt giảm lãi suất chuẩn cho đến khi lạm phát thấp hơn được duy trì một cách bền vững. Lo ngại lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn đã thúc đẩy đồng USD tăng mạnh và đè nặng lên giá dầu.
Về phía nguồn cung, Nga đã tăng cường xuất khẩu dầu thô bằng đường biển trong giai đoạn cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024, với hầu hết lượng hàng hóa đến châu Á từ các cảng phương Tây tiếp tục đi qua tuyến đường kênh đào Suez và Biển Đỏ, bất chấp căng thẳng trong khu vực. Theo dữ liệu của Bloomberg, xuất khẩu dầu thô của Nga đạt trung bình 3,43 triệu thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 14/1, tăng 94.000 thùng/ngày so với mức trung bình 4 tuần tính đến ngày 7/1. Riêng trong tuần tính đến ngày 14/1, xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển đã tăng 166.000 thùng/ngày lên 3,45 triệu thùng/ngày.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm gần 12,5% xuống mức thấp nhất trong một tuần do dự báo nhu cầu giảm khi thời tiết ấm hơn vào cuối tháng 1. Reuters dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ tại 48 bang, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 154,1 tỷ feet khối trong tuần này xuống 138,8 tỷ feet khối vào tuần tới.
Giá cà phê Robusta tăng mạnh hơn 6%
Khép lại ngày hôm qua (16/1), giá Robusta xác lập mức cao nhất trong 28 năm khi tính theo mã hợp đồng tháng 1 và chạm đỉnh của 16 năm khi tăng hơn 6%, tính theo mã hợp đồng tháng 3. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn do căng thẳng tại biển Đỏ tiếp tục thúc đẩy giá thiết lập kỷ lục mới.
Xung đột trên biển Đỏ đang có xu hướng căng thẳng khiến thị trường không chỉ dừng lại ở lo ngại vấn đề phí cước vận chuyển gia tăng và các đơn hàng được vận chuyển lâu hơn bình thường. Những rủi ro nghiêm trọng hơn đã xuất hiện như tình trạng nông dân Việt Nam hạn chế bán hàng kéo dài và một số hợp đồng giao hàng trước đó không được thực hiện.
Phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn một tháng, khép lại phiên ngày hôm qua, giá Arabica tăng 2,92% dù hoạt động xuất khẩu cà phê của Brazil tiếp diễn sự tích cực trong tháng 12. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết trong tháng cuối cùng của năm 2023, quốc gia Nam Mỹ này đã xuất đi 4,12 triệu bao cà phê, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 3,78 triệu bao cà phê dạng hạt đã được xuất đi, với 3,26 triệu bao Arabica, tăng 15% so với tháng 12/2022.
Chạm mức cao nhất trong một tháng, giá đường 11 kết phiên ngày giao dịch hôm qua với mức tăng 4,21%. Đồng USD mạnh lên đã thúc đẩy giá đường tăng, bên cạnh đó là việc Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu mật rỉ từ đường.
Chính phủ Ấn Độ ra lệch thu thuế xuất khẩu 50% đối với mật rỉ chiết suất từ quá trình tinh luyện đường, kể từ ngày 18/1.
Bất chấp việc đồng USD mạnh lên có thể làm giảm lực mua trên thị trường, giá bông vẫn nhỉnh hơn 0,02% so với tham chiếu. Thông thường, chỉ số Dollar Index tăng, đồng USD mạnh lên và giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí cao sẽ khiến lực mua yếu đi trên thị trường.