Giá gạo xuất khẩu bị tác động sau chính sách của Ấn Độ

Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự biến động giảm khá. Gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm cùng xu hướng giá gạo xuất khẩu của một số nước châu Á giảm mạnh sau khi Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo.

Chú thích ảnh
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu mua lúa trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu ở huyện Thọai Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh tư liệu: Công Mạo/TTXVN

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.350 đồng/kg, giá bình quân là 6.736 đồng/kg, giảm 507 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho giảm trung bình 575 đồng/kg, ở mức 8.342 đồng/kg; giá cao nhất là 8.950 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 13.500 đồng/kg, giá bình quân 12.950 đồng/kg, giảm 379 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 13.100 đồng/kg, giá bình quân 12.733 đồng/kg, giảm 283 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 12.700 đồng/kg, giá bình quân 12.367 đồng/kg, giảm 275 đồng/kg.

Giá gạo xát trắng loại 1 giảm 560 đồng/kg, giá trung bình là 13.570 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 giảm 317 đồng/kg, trung bình là 11.300 đồng/kg.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số loại lúa có sự biến động mạnh như: IR 50404 từ 6.800 - 7.000 đồng/kg, giảm 600 - 700 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 7.200 - 7.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; OM 380 dao động 7.200 - 7.300 đồng/kg…

Nếp Long An IR 4625 (khô) ổn định từ 9.500 - 9.700 đồng/kg; nếp Long An 3 tháng (khô) 9.800 - 10.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.000 đồng/kg…

Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu ở mức 10.150 - 10.250 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.500 - 12.600 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.900 - 9.600 đồng/kg. Hiện, giá tấm OM 5451 đang ở mức 9.500 - 9.600 đồng/kg; giá cám khô lên mức 5.900 - 6.000 đồng/kg.

Về xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gạo 5% ở mức giá 542 USD/tấn, giảm khoảng 20 USD/ tấn so với tuần trước; gạo 25% tấm ở mức 512 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 443 USD/tấn.

Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu của một số nước châu Á giảm mạnh trong tuần qua sau khi Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo làm gia tăng sự cạnh tranh trong khu vực. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. 

Ngày 28/9, Chính phủ Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường không phải loại basmati, sau khi giảm thuế xuất khẩu gạo đồ từ 20% xuống 10%. Một nhà giao dịch tại Singapore cho rằng quyết định của Ấn Độ đột ngột làm tăng nguồn cung cho thị trường gạo.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 494 - 498 USD/tấn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ ngày 9/11/2023. Tuần trước, các nhà giao dịch chào giá gạo ở mức 528 - 534 USD/tấn. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 490 - 495 USD/tấn trong tuần này. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, cho biết, giá gạo đã giảm mạnh nhờ việc giảm thuế, nhưng người mua vẫn đang chờ đợi thị trường bình ổn.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 510 - 515 USD/tấn so với mức 550 - 560 USD/tấn của tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023, do biến động của đồng baht và việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường không phải loại basmati. 

Thị trường nông sản Mỹ cho thấy, giá lúa mỳ kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) phiên 4/10 giảm phiên thứ hai, do các nhà giao dịch thận trọng sau khi tình trạng hạn hán ở nước sản xuất lúa mỳ hàng đầu là Nga đã đẩy giá lúa mỳ lên mức cao nhất 3 tháng rưỡi vào đầu tuần này.

Giá ngô kỳ hạn cũng giảm sau khi đạt mức cao nhất 3 tháng trong phiên 25/9, trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông khiến giá dầu tăng, thúc đẩy hoạt động sản xuất ethanol từ thực vật. Giá đậu tương giảm do dự báo mưa ở nước sản xuất hàng đầu là Brazil đã cải thiện những dự báo về nguồn cung. Giá lúa mỳ tại CBOT giảm 0,8%, xuống 5,99 USD/bushel, sau khi đạt mức 6,17 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 14/6. Giá lúa mỳ vẫn tăng khoảng 3,4% trong tuần này.

Giá ngô tại CBOT giảm 0,6%, xuống 4,25 USD/bushel, sau khi đạt mức 4,34 USD/bushel trong phiên 25/9, cao nhất kể từ ngày 28/6. Giá ngô tăng 1,8% trong cả tuần. Còn giá đậu tương ổn định ở mức 10,45 USD/bushel và giảm 1,9% trong tuần (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Trong những tháng gần đây, cả ba loại nông sản này đều giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm nhưng đã phục hồi khi các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, đồng USD xuống giá và điều kiện thời tiết bất lợi đe dọa nguồn cung. 

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, giá cà phê thế giới và giá cà phê tại thị trường trong nước cùng tăng mạnh trong phiên 5/10. Trên thế giới, giá cà phê tại hai sàn London và New York đồng loạt tăng trở lại.

Giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 11/2024 tăng mạnh 146 USD (2,97%), lên mức 5.067 USD/tấn và giao tháng 1/2025 tăng 139 USD (2,94%), lên 4.859 USD/tấn. Còn trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2024 tăng tới 5,3 xu Mỹ (2,1%), lên 257,35 xu/lb và giao tháng 3/2025 tăng 5,15 xu (2,06%), lên 255,65 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg). 

Giá cà phê thế giới đã tăng mạnh trở lại sau những phiên lao dốc trước đó, nhưng phục hồi chưa đến 30% mức giảm trong hai phiên trước. Đồng USD tăng, việc lùi thời hạn áp dụng quy định chống phá rừng ở châu Âu là những nguyên nhân chính đang khiến giá cà phê giảm mạnh.

Ngoài ra, cà phê chịu thêm sức ép về giá khi đồng real của Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần vào ngày 3/10. Đồng real yếu khiến các nhà sản xuất cà phê Brazil đẩy mạnh xuất khẩu.

Ở trong nước, thị trường cà phê quay đầu hồi phục so với phiên trước. Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê ở 3 huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà cùng ở mức 114.800 đ/kg. Tại Đắk Lắk, giá thu mua cà phê tại huyện Cư M'gar ở mức 115.700 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo và Buôn Hồ ở mức 115.600 đồng/kg.

Bích Hồng - Lê Minh (TTXVN)
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan giảm mạnh
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan giảm mạnh

Giá gạo xuất khẩu của một số nước châu Á giảm mạnh trong tuần này sau khi Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo làm gia tăng sự cạnh tranh trong khu vực. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN