Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 4/3, giá đồng euro giảm 0,8% xuống còn 1 euro đổi được 1,0967 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. So với đồng franc Thụy Sĩ, đồng euro mất 0,8% giá trị, còn 1 euro đổi được 1,0066 franc - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2015. So với đồng bảng Anh, đồng euro cũng giảm 0,4% xuống còn 1 euro đổi được 82,56 pence - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016.
Giới phân tích kinh tế cho biết xung đột và tác động của giá năng lượng và giá khí đốt có thể tác động tới tiêu dùng châu Âu, đồng thời kéo lùi triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu lục này. Ông Neil Jones - người đứng đầu bộ phận kinh doanh ngoại hối tại Mizuho, cho rằng diễn biến của đồng euro phản ánh tâm lý lo ngại rủi ro và giá của đồng euro có thể còn thấp hơn.
Trong khi thị trường tiền tệ không kỳ vọng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo, nhiều khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 15 - 16/3 tới, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong bối cảnh áp lực gia tăng đối với các đồng tiền ở khu vực Trung Âu, Ngân hàng quốc gia Séc ngày 4/3 cho biết đang can thiệp vào thị trường để ngăn chặn sự mất giá của đồng CZK - vốn đang ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong gần 2 năm qua.
Dù Ngân hàng trung ương Ba Lan đã có biện pháp can thiệp trong tuần này, song đồng zloty của nước này vẫn rơi xuống mức thấp nhất so với đồng euro trong 13 năm qua. Tương tự, bất chấp việc nhà chức trách Hungary quyết định tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2008, giá đồng forint của nước này vẫn rơi xuống mức thấp kỷ lục. Giá đồng ruble của Nga cũng đang ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD và euro.
Trong khi đó, chỉ số đồng USD, đo giá trị đồng USD trong rổ tiền tệ, đã tăng 0,6% lên 98,335, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.