Chiều 7/8, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 15 xu Mỹ, tương đương 0,2%, xuống còn 86,09 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 15 xu Mỹ (0,2%) xuống 82,67 USD/thùng.
Tuần trước, cả hai hợp đồng dầu này đã tăng giá tuần thứ sáu liên tiếp.
Nhà phân tích năng lượng hàng đầu tại ngân hàng DBS, Suvro Sarkar, cho biết những diễn biến lạc quan này phù hợp với dự báo giá dầu trong nửa cuối năm 2023 tăng mạnh hơn so với nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, ông Sarkar nhận định xu hướng tăng có thể bị hạn chế bởi những lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc và tình trạng không chắc chắn về nguồn cung từ Saudi Arabia và Nga. Do đó, trong thời gian tới, giá dầu Brent có thể dao động quanh mốc 85 USD/thùng.
Giá dầu thế giới trong vài tuần gần đây được củng cố bởi dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng tăng lãi suất, nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) giảm và hy vọng về các biện pháp kích thích kinh tế tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu phục hồi tại nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Cùng với thông báo cắt giảm sản lượng, Saudi Arabia ngày 5/8 đã tăng giá bán chính thức đối với hầu hết các loại dầu xuất khẩu sang châu Á kỳ hạn tháng 9. Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, đi kèm với các biện pháp kích thích của Trung Quốc và triển vọng kinh tế Mỹ được cải thiện đang hỗ trợ giá dầu thô.
Theo nhà phân tích thị trường Tony Sycamore thuộc IG, việc dầu WTI phá mốc trên 84 USD/thùng sẽ mở đường để dầu hướng đến mức 93,5 USD/thùng.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi số liệu về kinh tế Trung Quốc trong tuần này để dò đoán các biện pháp kích thích của chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes Co cho biết số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 4 giàn, xuống còn 525 giàn trong tuần trước. Đây là tuần giảm thứ tám liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.