Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 1,2 USD (khoảng 2%) xuống mức 57,69 USD/thùng trong phiên này. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng đã giảm 98 xu Mỹ (tương đương 1,8%) và khép phiên ở mức 52,64 USD/thùng.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng 3,1 triệu thùng trong tuần trước. Con số này vượt xa mức kỳ vọng tăng 1,6 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Ông Gene McGillian, Phó Chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu thị trường tại công ty tư vấn đầu tư Tradition Energy, nhận định rằng yếu tố chính đang khiến thị trường lao dốc là những dấu hiệu cho thấy triển vọng tăng trưởng nhu cầu năng lượng yếu đi. Điều này thể hiện ở “màn trình diễn” đáng thất vọng của lĩnh vực chế tạo của Mỹ trong tháng Chín vừa qua.
Các dấu hiệu “hạ nhiệt” căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng đang đè nặng lên giá dầu. Căng thẳng tại khu vực này đã bùng lên sau khi Saudi Arabia cáo buộc Iran đứng đằng sau cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của nước này vào ngày 14/9. Tehran vẫn luôn phủ nhận cáo buộc này.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Bijan Zanganeh, đã tìm cách xoa dịu căng thẳng với Saudi Arabia, gọi người đồng cấp của mình ở Riyadh, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman là "một người bạn" và nói rằng Teheran cam kết duy trì ổn định trong khu vực. Cả hai Bộ trưởng Dầu mỏ đã tham dự một hội nghị năng lượng của Nga do Tổng thống Vladimir Putin chủ trì.
Tại cuộc họp, ông Putin nói rằng điều quan trọng là các nước cần sử dụng tất cả những công cụ có sẵn để cân bằng thị trường năng lượng. Ông cam kết Nga sẽ vẫn là một thành viên chủ chốt của OPEC+ (liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ được gọi là OPEC và các quốc gia sản xuất dầu khác) trong kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày.