Khép phiên 10/6, giá dầu Brent biển Bắc tăng 30 xu Mỹ (0,4%) lên 72,52 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 33 xu Mỹ (0,5%) lên 70,29 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 15 tháng, trong khi giá tiêu dùng tăng mạnh trong tháng 5/2021 giữa bối cảnh những tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế tiếp tục dịu bớt.
Louise Dickson, nhà phân tích tại Rystad Energy, cho biết tình hình về thị trường việc làm Mỹ được công bố gần đây là một dấu hiệu tích cực rõ ràng cho thấy sự phục hồi ở nước này đang tăng tốc. Hoạt động thương mại nhiều hơn đồng nghĩa với tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, và nền kinh tế khởi sắc là điều kiện cần thiết cho hoạt động đi lại bằng đường bộ và đường hàng không gia tăng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu sẽ tăng 6,6%, tương đương 5,95 triệu thùng/ngày, trong năm nay, không đổi so với dự báo đưa ra tháng trước đó.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC tại New York, cho biết giá dầu vẫn đang tăng. Triển vọng nhu cầu tiếp tục tăng, song nguồn cung không nhất thiết phải tăng theo. Ông Kilduff cũng lưu ý rằng đợt mất giá ngắn ngủi trong ngày 10/6 cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu Iran hoặc OPEC+, gồm OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, bổ sung nguồn cung dầu toàn cầu.
Các nhà phân tích cho biết Iran có thể cung cấp thêm khoảng 1-2 triệu thùng dầu mỗi ngày nếu một thỏa thuận được ký kết và các lệnh trừng phạt đối với nước này được dỡ bỏ.