Vào lúc 1749 GMT (khoảng 0 giờ 49 phút sáng ngày 2/4 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.289,20 USD/ounce. Còn trên sàn giao dịch kim loại tại New York, giá vàng Mỹ giao tháng 6/2019 hạ 0,33% (4,3 USD) xuống 1.294,20 USD/ounce .
Doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng Hai đã bất ngờ sụt giảm, làm củng cố thêm quan điểm tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại trong quý I/2019. Điều này đã gây sức ép lên đồng USD, giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những khách mua nắm giữ các đồng tiền tệ khác.
Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng đã bị hạn chế phần nào sau số liệu cho thấy hoạt động chế tạo trong tháng Ba của Mỹ phục hồi.
Theo các nhà phân tích, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không nâng lãi suất và sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng kinh tế có thể sẽ "tiếp sức" cho giá vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá palladium giao ngay tăng 3% lên 1.426,25 USD/ounce sau khi giảm hơn 11% trong tuần trước. Giá bạc giao ngay hạ 0,1% xuống 15,11 USD/ounce, còn giá bạch kim giao ngay cũng giảm 0,1% xuống 844,50 USD/ounce.
Giá dầu thế giới phiên 1/4 tăng trên 2% lên các mức cao trong năm nay sau khi các dấu hiệu tích cực về nền kinh tế toàn cầu và nguồn cung thắt chặt khiến hai loại giá dầu chính trên thị trường trong quý I tăng mạnh nhất trong gần một thập niên.
Khép phiên này tại New York, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,1% lên 69,01 USD/ thùng sau khi có lúc tăng lên 69,19 USD/ thùng – mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. Giá dàu Brent Biển Bắc đã tăng 27% trong quý I/2019 vừa kết thúc.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn chốt phiên này tăng 2,4% lên 61,59 USD/ thùng sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong gần 5 tháng là 61,72 USD/ thùng. Giá dầu WTI đã tăng 32% trong quý I/2019.
Một số yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá “vàng đen” trong phiên này là việc lĩnh vực chế tạo trong tháng 3/2019 của Trung Quốc bất ngờ phục hồi lần đầu tiên trong bốn tháng, cộng với số liệu chế tạo của Mỹ tốt hơn trong tháng Ba.
Hoạt động cắt giảm sản lượng khai thác dầu của các thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giúp đưa nguồn cung của khối này xuống một mức thấp trong tháng 3/2019. Sản lượng khai thác dầu của các nước OPEC đã giảm 280.000 thùng dầu/ ngày từ tháng 2/2019 xuống 30,4 triệu thùng dầu/ ngày, theo kết quả cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Saudi Arabia cắt giảm sản lượng mạnh hơn yêu cầu, trong khi sản lượng khai thác dầu của Venezuela tiếp tục sụt giảm do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và tình trạng mất điện.
Tại Mỹ, số liệu mới nhất từ chính quyền Mỹ cho thấy sản lượng khai thác dầu của nước này đã giảm trong tháng 1/2019 xuống 11,9 triệu thùng dầu/ ngày.