Tuy nhiên, lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã hạn chế đà giảm của giá dầu, đồng thời giữ cho mặt hàng này neo sát mức cao nhất trong 6 tháng.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 74 xu Mỹ, tương đương 0,8%, xuống 89,74 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 1,19 USD, tương đương 1,4%, xuống 85,02 USD/thùng.
Chiến lược gia năng lượng toàn cầu Vikas Dwivedi của công ty Macquarie cho biết: “Sẽ khó để giá dầu Brent duy trì trên 90 USD/thùng trong nửa cuối năm nay mà không có sự gián đoạn nguồn cung thực tế liên quan đến các sự kiện địa chính trị. Do đó, chúng tôi dự đoán giá dầu sẽ giảm vào cuối năm nay do nguồn cung ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng trưởng, một lượng lớn công suất dự phòng của OPEC và các đối tác (OPEC+) tái gia nhập thị trường và khả năng lạm phát cao tiếp tục làm giảm nhu cầu”.
Biên bản cuộc họp của Fed cho thấy các quan chức ngân hàng này lo lắng rằng tiến trình giảm lạm phát có thể bị đình trệ và cần có một thời gian dài hơn để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các nhà đầu tư từng kỳ vọng việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 giờ đây đã chuyển hướng sang tháng Chín, sau khi chỉ số lạm phát tiêu dùng của Mỹ lần thứ ba liên tiếp vượt dự báo trong tháng 3/2024.
Tại châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục như dự kiến, nhưng ra tín hiệu có thể sớm cắt giảm lãi suất. Việc cắt giảm lãi suất chậm hơn có thể làm giảm nhu cầu dầu, tuy nhiên OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu tương đối mạnh vào năm 2024.