Giá dầu châu Á tiếp tục đi xuống trước nỗi lo về kinh tế Trung Quốc

Giá dầu châu Á đi xuống trong chiều 16/8, khi dữ liệu kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Damascus, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,21 USD (tương đương 1,3%) xuống 93,89 USD/thùng vào lúc 13 giờ 35 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 84 xu Mỹ (0,9%) xuống 88,57 USD/thùng. Hợp đồng tương lai của hai loại dầu tiêu chuẩn trên đã giảm khoảng 3% trong các phiên gần đây.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất cho vay để phục hồi nhu cầu khi nền kinh tế này bất ngờ tăng trưởng chậm lại vào tháng 7/2022. Các báo cáo mới nhất cho thấy hoạt động của các nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã suy yếu do tác động từ chính sách “Zero COVID” của nước này và cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt trên thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi trong tháng Tám lên gần mức cao nhất trong một năm sau khi nước này tăng thêm hạn ngạch. Diễn biến này có thể tăng thêm áp lực lên biên lợi nhuận của các công ty lọc dầu vốn đã ghi nhận hoạt động kinh doanh hạ nhiệt.

Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường từ tập đoàn dịch vụ tài chính IG Group, nhận định giá các loại hàng hóa trên diện rộng đang chịu áp lực giảm xuống, khi dữ liệu kinh tế tháng Bảy của Trung Quốc vẽ ra một bức tranh tăng trưởng không mấy lạc quan và làm dấy lên những lo ngại mới về triển vọng nhu cầu.

Ngoài tình hình kinh tế Trung Quốc, giới đầu tư cũng theo dõi các cuộc đàm phán về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Các nhà phân tích cho biết nguồn cung dầu cho thị trường sẽ tăng lên đáng kể nếu Iran và Mỹ chấp nhận đề xuất từ Liên minh châu Âu (EU) - điều có thể giúp dỡ bỏ những lệnh trừng phạt áp lên quốc gia Vùng Vịnh này.

Tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong một báo cáo hôm 15/8 rằng sản lượng của các bể chứa dầu đá phiến lớn của nước này dự kiến sẽ tăng lên 9,049 triệu thùng/ngày vào tháng Chín. Nếu ước tính này trở thành hiện thực, đó sẽ là mức sản lượng cao nhất kể từ tháng 3/2020. Tại Permian, bể chứa dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ, sản lượng dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 5,408 triệu thùng/ngày.

H.Thủy/TTXVN (Theo Reuters)
Giá dầu mỏ và vàng giảm do đồng USD mạnh lên
Giá dầu mỏ và vàng giảm do đồng USD mạnh lên

Giá dầu mỏ thế giới ngày 15/8 đã giảm trong bối cảnh có nhiều lo ngại mới về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu năng lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN