Giá dầu châu Á sụt giảm trong phiên đầu tuần

Giá dầu tại thị trường châu Á sụt giảm trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 23/1, do hoạt động giao dịch thưa thớt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở khu vực Đông Á, song vẫn giữ được hầu hết mức tăng của tuần trước nhờ triển vọng phục hồi kinh tế tại Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - trong năm nay.

Chú thích ảnh
Một trạm bơm dầu ở làng Yamashi thuộc huyện Almetyevsk, CH Tatarstan (LB Nga). Ảnh minh họa: AP/TTXVN

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô Brent biển Bắc giảm 11 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống 87,52 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 8 xu Mỹ,  tương đương 0,1%, xuống 81,56 USD/thùng.

Tuần trước giá dầu Brent đã tăng 2,8%, trong khi giá dầu WTI ghi nhận mức tăng 1,8%.

Các nhà phân tích cho rằng, sự lạc quan về việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn. Sukrit Vijayakar, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Trifecta ở Mumbai (Ấn Độ), cho biết thị trường muốn duy trì vị thế mua trong trường hợp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại.

Các nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng ANZ cho biết, các dữ liệu cho thấy hoạt động đi lại ở Trung Quốc tăng mạnh sau khi các biện pháp hạn chế COVID-19 được nới lỏng, đồng thời chỉ ra rằng mức độ tắc nghẽn giao thông đường bộ tại 15 thành phố trọng điểm của Trung Quốc trong tháng này tăng 22% so với một năm trước đó.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, thị trường năng lượng có thể thắt chặt trong năm nay nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi theo cách mà các tổ chức tài chính mong đợi. Ông Birol phát biểu bên lề cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy sỹ) rằng: “Tôi không quá lạc quan về triển vọng của thị trường và năm 2023 có thể là một năm thị trường sẽ thắt chặt hơn so với một số dự đoán khác”.

Lưu lượng giao thông của Trung Quốc tăng vọt trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là tín hiệu tốt cho nhu cầu nhiên liệu sau kỳ nghỉ kéo dài hai tuần. Các nhà phân tích của ANZ cho biết: “Nhu cầu tăng dự kiến diễn ra khi thị trường chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với dầu mỏ của Nga”.

Liên minh châu Âu và Nhóm Các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ áp trần giá các sản phẩm dầu tinh chế của Nga bắt đầu từ ngày 5/2 tới, bên cạnh mức giá trần đối với dầu thô của Nga được áp dụng từ tháng 12 và lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.

G7 đã đồng ý trì hoãn việc xem xét mức giá trần đối với dầu của Nga đến tháng 3/2023, muộn hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu, để có thời gian đánh giá tác động của động thái này.

Minh Trang (TTXVN)
Phiên sáng 23/1, giá vàng châu Á tiếp tục đà tăng, giá dầu quay đầu giảm
Phiên sáng 23/1, giá vàng châu Á tiếp tục đà tăng, giá dầu quay đầu giảm

Giá vàng tăng trong phiên sáng 23/1 tại châu Á, khi đồng USD xuống giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN