Giá dầu châu Á sáng 24/10 tăng trước khả năng nguồn cung bị thắt chặt

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần 24/10, nhờ dự đoán về khả năng nguồn cung thắt chặt hơn trên toàn cầu, trước các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Sáng phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 54 xu Mỹ, tương đương 0,6%, lên 94,04 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ đứng ở mức 85,56 USD/thùng, tăng 51 xu Mỹ, tương đương 0,6%.

Dầu Brent đã ghi nhận mức tăng 2% trong tuần trước, do đồng USD suy yếu và với hy vọng nới lỏng các hạn chế COVID-19 ở Trung Quốc sẽ cho phép nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới phục hồi.

Nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ bị gián đoạn khi lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU có hiệu lực vào ngày 5/12 tới. Khối này cũng có kế hoạch chặn nhập khẩu các chế phẩm dầu mỏ của Nga vào tháng Hai tới.

Một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có tâm lý muốn giảm tốc độ hoặc quy mô của các đợt tăng lãi suất trong tương lai, ngay cả khi họ đã sẵn sàng nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào đầu tháng 11. Việc Fed tăng lãi suất chậm lại có thể làm giảm sức mạnh của đồng USD, vốn đã đè nặng lên giá hàng hóa toàn cầu. Đồng USD  yếu hơn làm cho các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này như dầu có giá cả phải chăng hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Giá dầu Brent tăng trong tuần trước bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo “xả” 15 triệu thùng dầu còn lại từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ. Các nhà phân tích của ANZ cho biết: “Thị trường quan tâm nhiều hơn đến các động thái để nạp lại lượng dầu dự trữ thay vì việc bán ra”.

Minh Trang (TTXVN)
Giá dầu châu Á giảm trong phiên 21/10
Giá dầu châu Á giảm trong phiên 21/10

Giá dầu châu Á giảm trong phiên 21/10 và hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư cân nhắc tác động của việc tăng lãi suất đối với tiêu thụ năng lượng, “lấn át” hy vọng về nhu cầu cao hơn ở Trung Quốc và việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN