Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,42 USD (1,4%), lên 102,52 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến 1,55 USD (1,6%), lên 97,78 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều giảm hơn 5% trong phiên giao dịch trước và ghi nhận mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 16/3.
Các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 6/4 đã nhất trí phối hợp “bơm” thêm 120 triệu thùng dầu ra thị trường, trong đó Mỹ đóng góp 50%, nhằm hạ nhiệt giá “vàng đen” khi nguồn cung trở nên quá eo hẹp do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Nhưng các nhà phân tích và các thương nhân cho biết, ngay cả khi các kho dự trữ dầu được giải phóng, nguồn cung dầu vẫn trong tình trạng khan hiếm.
Một nhà kinh doanh dầu có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Việc các thành viên IEA bơm thêm dầu ra thị trường phản ánh quyết tâm chính trị mạnh mẽ chống lại Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine, nhưng nó không đủ để lấp đầy sự thiếu hụt nguồn cung thực tế”.
Các nhà máy lọc dầu nhà nước ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, vẫn đang tôn trọng các hợp đồng dầu hiện có với Nga nhưng tránh thiết lập các hợp đồng mới, cho dù giá dầu giảm mạnh.
Nhà phân tích Baden Moore của Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết: “Việc bổ sung nguồn cung dầu làm giảm rủi ro tăng giá trong ngắn hạn đối với thị trường và có khả năng tránh được việc cắt giảm nhu cầu của các nhà máy lọc dầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhu cầu dự kiến tăng hơn nữa vào năm 2023, làm trầm trọng thêm sự thắt chặt của thị trường dầu kỳ hạn, nơi triển vọng nguồn cung cơ bản không thay đổi, làm nghiêng về khả năng giá dầu đi lên”.
Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hiện đang bị đình trệ, làm trì hoãn thêm khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran. Điều này khiến thị trường dầu càng bị thắt chặt.