Bên cạnh đó, lo ngại rằng thặng dư nguồn cung toàn cầu có thể gia tăng trong quý I/2022 khi Mỹ và các nước tiêu thụ lớn khác mở kho dự trữ dầu cũng khiến thị trường cẩn trọng hơn.
Phiên này, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã kéo dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi mất tới 3,16 USD (tương đương 3,8%) xuống 79,06 USD/thùng vào lúc 14 giờ 33 phút (giờ Việt Nam).
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 3,45 USD (4,4%) xuống 74,94 USD/thùng.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích cấp cao tại công ty môi giới OANDA (Mỹ), cho biết giá dầu đã xuống thấp ở châu Á khi biến thể Nam Phi làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng, gây ra làn sóng bán tháo trên hầu hết các thị trường năng lượng tại khu vực này.
Một yếu tố cũng trong “tầm ngắm” của nhà đầu tư là phản ứng của Trung Quốc trước kế hoạch giải phóng hàng triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là một phần trong nỗ lực phối hợp giữa Mỹ với các quốc gia tiêu thụ lớn khác để cố gắng hạ nhiệt giá dầu.
Theo kết quả nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế chuyên tư vấn cho các Bộ trưởng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), nỗ lực như vậy có thể sẽ làm tăng nguồn cung trong những tháng tới.
Ủy ban Kinh tế dự kiến thị trường sẽ thặng dư 400.000 thùng dầu/ngày trong tháng 12/2021. Con số này rồi sẽ tăng lên 2,3 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2022 và 3,7 triệu thùng/ngày vào tháng Hai năm tới nếu các quốc gia tiêu thụ tiếp tục bán dầu từ kho dự trữ.
Dự báo về lượng dầu thặng dư gia tăng “phủ bóng” lên triển vọng cuộc họp giữa OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) vào ngày 2/12 tới. Tại đây, các nhà sản xuất sẽ quyết định liệu họ có tiếp tục nâng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày vào tháng Một năm sau hay không.
Nhà kinh tế Howie Lee của ngân hàng OCBC (Singapore) cho biết OPEC sẽ không thay đổi kế hoạch tăng dần sản lượng nếu giá vẫn ở mức 80 - 85 USD/thùng.
Bên cạnh đó, ước tính tổng khối lượng giải phóng từ các kho dự trữ dầu thô chỉ khoảng 70 - 80 triệu thùng. Con số này nhỏ hơn dự kiến của những người tham gia thị trường. Do đó, giới chuyên gia nhận định nỗ lực trên chủ yếu nhằm giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung, thay vì gây tác động lớn đến thị trường dầu mỏ.