Dù vậy, đà giảm đã được giới hạn phần nào bởi lo ngại về nguồn cung sau những diễn biến mới liên quan tới xung đột Nga - Ukraine và tình trạng bế tắc trong các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 46 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống 90 USD/thùng lúc 14 giờ 30 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 46 xu Mỹ (0,55%) xuống 83,03 USD/thùng.
Tính đến thời điểm hiện tại trong tuần, các hợp đồng dầu Brent và WTI giao kỳ hạn đã giảm lần lượt 1,4% và 2,4%.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho biết giữa lúc các ngân hàng trung ương lớn đều tăng lãi suất, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu làm lu mờ vấn đề nguồn cung trên thị trường dầu mỏ, bất chấp sự leo thang gần đây trong cuộc chiến Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, việc kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của Mỹ giảm mạnh có thể vẫn hỗ trợ giá dầu phần nào. Vì thị trường vẫn có những vấn đề nguồn cung không thể tránh khỏi, trong khi thỏa thuận hạt nhân của Iran đang bế tắc. Lượng dầu thô trong kho SPR của Mỹ hồi tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ ba tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào ngày 21/9, nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng có động thái tương tự. Giới quan sát lo ngại xu hướng này sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới tài chính OANDA, cho biết giá dầu thô vẫn sẽ biến động khi các nhà giao dịch vật lộn với triển vọng nhu cầu xấu đi và nguồn cung dễ bị thiếu hụt.
Theo ông, rủi ro nguồn cung và các điều kiện thị trường thắt chặt sẽ giúp dầu sẽ nhận được một số hỗ trợ để duy trì trên ngưỡng 80 USD/thùng. Nhưng triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu đến nhanh hơn sẽ khiến giá dầu tăng cao.