Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8 tăng 2,67 USD, hay 2,5%, lên chốt phiên ở mức 108,43 USD/thùng. Theo Dow Jones Market Data, giá dầu này khép lại tuần qua với mức tăng gần 0,8%. Giá dầu WTI giảm 7,8% trong tháng Sáu và tăng 5,5% trong quý II.
Giá dầu Brent giao tháng Chín tăng 2,6 USD, hay 2,4%, lên 111,63 USD/thùng và tăng 2,3% trong cả tuần. Giá dầu này giảm 6,5% trong tháng Sáu, nhưng tăng 6,4% trong quý II.
Giá dầu giảm khoảng 3% trong phiên 30/6 khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, khẳng định sẽ chỉ tăng sản lượng trong tháng 8 như đã thông báo trước đó. Tuy nhiên, thị trường vẫn lo ngại về nguồn cung trong tương lai. Giá dầu Brent giao tháng 9/2022 giảm 3,42 USD (3%) xuống 109,03 USD/thùng. Giá dầu WTI giao kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 4,02 USD (3,7%) xuống 105,76 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên 29/6, khi lượng xăng và các sản phẩm chưng cất dự trữ của Mỹ gia tăng và những lo ngại về tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã lấn át những lo ngại về nguồn cung dầu thô thắt chặt. Khép lại phiên này, giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 1,72 USD, hay 1,5%, xuống 116,26 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giao cùng kỳ giảm 1,98 USD, hay 1,8%, và đóng phiên ở mức 109,78 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng trong phiên 28/6, phiên tăng thứ ba liên tiếp, khi một loạt thông tin gây lo ngại về nguồn cung. Giá dầu WTI giao tháng 8 tăng 2,19 USD, hay 2%, chốt phiên ở mức 111,76 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kỳ tăng 2,89 USD, hay 2,5%, chốt phiên ở mức 117,98 USD/thùng.
Giá dầu tăng 2 USD/thùng trong phiên 27/6 do khả năng nguồn cung thắt chặt hơn nữa xuất hiện trên thị trường, khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gia tăng sức ép đối với Nga liên quan tới chiến dịch ở Ukraine. Phiên này, giá dầu Brent tăng 1,97 USD (tương đương 1,7%) lên mức 115,09 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tiến 1,95 USD (1,8%) lên 109,57 USD/thùng.
Giá dầu đã tụt khỏi các mức cao nhiều năm trong những tuần gần đây, với giá dầu Brent giảm từ mức trên 140 USD được ghi nhận hồi tháng 3, do những lo ngại sự giảm tốc của nền kinh tế có thể làm giảm nhu cầu. Tuy nhiên, những lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung và những dấu hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc khởi sắc tiếp tục hỗ trợ giá năng lượng.
Vấn đề đặt ra là mức sản lượng của OPEC trong tương lai vẫn chưa được xác định và điều này có thể gây thêm sự không chắc chắn.
Các nước phương Tây có thể tăng nguồn cung để hạ nhiệt lạm phát và giảm sự phụ thuộc và Nga, sau khi xung đột giữa nước này và Ukraine xảy ra. Trước khả năng này, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi xem liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể thuyết phục được các nước sản xuất dầu ở Trung Đông trong việc tăng nguồn cung hơn nữa trong chuyến thăm khu vực này vào giữa tháng 7 hay không.
Gây thêm lo ngại về nguồn cung là tin Công ty Dầu mỏ Quốc gia Libya đã ban bố tình trạng bất khả kháng vào ngày 30/6, khi cuộc khủng hoảng chính trị leo thang. Lượng dầu mỏ xuất khẩu mỗi ngày giảm xuống khoảng 1/3 sản lượng trong điều kiện bình thường.