Giá dầu Brent cao nhất kể từ tháng 11/2021

Giá dầu Brent biển Bắc đã tăng lên mức 80 USD/thùng trong phiên ngày 4/1, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021, trong bối cảnh Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ nhất trí tuân thủ kế hoạch tăng sản lượng cho tháng 2/2022 dựa trên các dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron sẽ chỉ có tác động nhỏ đến nhu cầu.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,02 USD (1,3%) lên 80 USD/thùng, gần với về mức ghi nhận được trong phiên 26/11/2021, thời điểm những báo cáo đầu tiên về biến thể mới này xuất hiện, khiến giá dầu ngay lập tức giảm hơn 10%.
 
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 91 xu Mỹ (1,2%) lên 76,99 USD/thùng.
 
Bjornar Tonhaugen, trưởng bộ phận thị trường dầu mỏ của công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định việc OPEC+ nhất trí thực hiện kế hoạch tăng sản lượng dầu 400.000 thùng/ngày trong tháng 2/2022 cho thấy những lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung trong quý I/2022 đã lắng xuống, qua đó giúp giá dầu giao dịch ở mức cao.
 
Dự trữ dầu thô tại Mỹ, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới, được dự báo sẽ giảm trong tuần thứ sáu liên tiếp. Trong khi đó, Nhà Trắng đã hoan nghênh quyết định tiếp tục tăng sản lượng của OPEC+, điều sẽ giúp thúc đẩy kinh tế phục hồi.
 
Scott Shelton, chuyên gia năng lượng tại công ty môi giới chứng khoán United ICAP (Mỹ), cho biết dường như thị trường đang đặt cược vào giả thuyết rằng Omicron có thể là dấu hiệu báo hiệu cho sự kết thúc của đại dịch COVID-19.
 
Tại Anh, số ca nhập viện liên quan đến dịch COVID-19 ít xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng hơn trước đây. Trong khi tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính nước này cho biết một số lĩnh vực đang bị gián đoạn bởi sự gia tăng nhanh của biến thể Omicron, nhưng biến thể này không có nguy cơ làm "tê liệt" nền kinh tế.
 
Hoạt động sản xuất trên toàn cầu vẫn diễn ra mạnh mẽ trong tháng 12/2021, cho thấy tác động của biến thể Omicron đối với sản lượng đã giảm xuống.
 
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo OPEC+ có thể phải thay đổi cách giải quyết nếu căng thẳng giữa phương Tây và Nga liên quan đến vấn đề Ukraine bùng phát và ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nhiên liệu, hoặc nếu các cuộc đàm phán hạt nhân của Iran với các cường quốc đạt được tiến bộ, dẫn đến việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. 
 
Các nhà phân tích cho biết hai sự kiện này có thể nhanh chóng làm thay đổi quỹ đạo của giá dầu, đồng thời cũng là chất xúc tác để kiểm tra cơ chế phản ứng nhanh của OPEC.
 
Caroline Bain, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Vương quốc Anh) cho biết Capital Economics vẫn giữ quan điểm rằng khi OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng trong những tháng tới và nhu cầu tăng trưởng bình thường, giá dầu sẽ chịu sức ép giảm. Dự báo cuối năm 2022 của Capital Economics đối với dầu thô Brent chỉ là 60 USD/thùng.

Minh Hằng/TTXVN (Theo Reuters)
Giá dầu năm 2021 tăng mạnh nhất trong 12 năm qua
Giá dầu năm 2021 tăng mạnh nhất trong 12 năm qua

Năm 2021, giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 2009 nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi sau giai đoạn suy giảm vì đại dịch COVID-19 và kế hoạch kiềm chế sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN