Nhóm nguyên liệu công nghiệp là một trong những tâm điểm của thị trường trong phiên hôm qua. Mặc dù có 7 trong tổng 9 mặt hàng tăng giá, nhưng đà lao dốc hơn 15% của giá ca cao đã kéo chỉ số MXV- Index Công nghiệp giảm 3,18%, ghi nhận đà giảm mạnh nhất trong 4 nhóm hàng. Ngoài ra, nhóm năng lượng cũng thu hút sự chú ý với sự hạ nhiệt của giá dầu WTI và Brent sau đà phục hồi trong tuần trước. Biến động mạnh của các mặt hàng trong phiên đã kéo giá trị giao dịch toàn Sở tăng 20% lên gần 7.000 tỷ đồng.
Áp lực từ nguồn cung, giá ca cao ‘bốc hơi’ hơn 15%
Giá ca cao giảm gần 15,7% về mức thấp nhất trong 3 tuần và cũng là phiên giảm mạnh nhất từng được ghi nhận. Áp lực nguồn cung kết hợp cùng lực bán chốt lời đã tạo sức ép kép lên giá.
Cụ thể, nông dân tại Bờ Biển Ngà đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch cà phê giữa mùa. Điều này giúp thị trường kỳ vọng nguồn cung sớm có sự cải thiện trong tương lai. Theo các nguồn thông tin quốc tế, nông dân cho biết ca cao tại một số khu vực chính sẽ bắt đầu được thu hoạch từ tháng 7 và kéo dài đến hết tháng 9 năm nay. Đồng thời, ca cao đang phát triển tương đối tốt dù lượng mưa vẫn đang ở mức dưới trung bình.
Ngoài ra, giới quan sát cũng kỳ vọng, việc giá ca cao đạt đỉnh trước đó sẽ thúc đẩy sự gia tăng sản lượng ca cao niên vụ 2024/2025. Nguồn cung có tín hiệu tích cực đã tạo ra những điều chỉnh giảm về giá.
Tuy vậy, tính từ đầu vụ 2023/2024 (tháng 10/2023) đến ngày 28/4/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng tại Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,354 triệu tấn, giảm mạnh 29% so với cùng kỳ vụ trước.
Đối với các mặt hàng khác trong nhóm, giá đường 11 tăng 3,61%, từ mức thấp nhất 1 năm rưỡi khi các đại lý lưu ý rằng khoảng 1,0 đến 1,5 triệu tấn đường Brazil dự kiến sẽ được giao theo hợp đồng.
Giá Robusta tăng nhẹ 0,31% do nguồn cung tiếp tục hạn hẹp. Tổng cục Thống kê ước tính, Việt Nam xuất đi 170.000 tấn cà phê trong tháng 4, giảm hơn 2 lần so với ước tính 400.000 tấn trong tháng trước. Hoạt động “găm cà phê” trước đó của nông dân đang dần phản ánh lên số liệu xuất khẩu.
Giá Arabica cũng ghi nhận mức tăng 1,56%, do tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US kết phiên 26/4 ở mức 656.657 bao loại 60kg, giảm 4.835 bao so với phiên trước đó.
Giá dầu hạ nhiệt khi rủi ro địa chính trị giảm bớt
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, giá dầu thế giới cũng hạ nhiệt trở lại trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngừng bắn của Israel ở Cairo làm dịu bớt lo ngại về một cuộc xung đột ở Trung Đông.
Ngoài ra, sau hàng loạt dữ liệu cho thấy tình hình lạm phát còn tiềm ẩn, các nhà đầu tư hướng tới cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào rạng sáng 2/5 với sự thận trọng, vì kịch bản lãi suất cao có thể được duy trì lâu hơn dự kiến. Điều này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng và nhu cầu tiêu thụ dầu thô.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 1,45% xuống 82,63 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,14% xuống 87,20 USD/thùng.
Thị trường quyền chọn lãi suất đang cho thấy các nhà đầu tư đánh giá rằng FED thậm chí có thể tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong năm nay và năm tới khi lạm phát ở Mỹ và thị trường lao động vẫn kiên cường.
Ở một kịch bản có xác suất cao khác, FED có thể chỉ hạ lãi suất một lần duy nhất, hoặc giữ nguyên trong năm nay. Điều này có thể gây ra rủi ro tăng trưởng, ảnh hưởng tới triển vọng tiêu thụ dầu trong tương lai.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) báo cáo lợi nhuận tại các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong 3 tháng đầu năm, đứt chuỗi tăng kéo dài kể từ tháng 8 năm ngoái, làm dấy lên nghi ngại về tình hình phục hồi kinh tế của quốc gia có nhu cầu dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới. Điều này cũng tạo áp lực cho giá dầu trong phiên.
Trái lại, giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 5% lên mức cao nhất 12 tuần do nguồn cung có xu hướng thu hẹp. Cụ thể, sản lượng khí đốt tại 48 bang của Mỹ giảm khoảng 3,1 tỷ feet khối xuống mức trung bình 97,7 tỷ feet khối mỗi ngày trong tháng 4 so với hồi tháng 3. Nguyên nhân là do việc giá thấp đã làm giảm động lực khai thác khí tại Mỹ.