Theo ông Nguyễn Bích Lâm, GDP quý III ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm nay. Tăng trưởng của quý III năm nay cao hơn mức tăng của quý III trong 9 năm trở lại đây.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm ngoái tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%.
Trên góc độ sử dụng GDP 9 tháng năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,41%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,78%.
“Tuy nhiên khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do hạn hán và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Sản lượng lúa đã giảm gần 460.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất của ngành Chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn cả về thị trường và giá xuất khẩu”, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông lâm nghiệp thủy sản nói.
Trong 9 tháng đầu năm nay, ngành Nông nghiệp chưa có dấu hiệu phục hồi khi chỉ đạt mức tăng 0,74%, thấp hơn cùng kỳ năm 2017, năm 2018. Ngành Thủy sản là điểm sáng của khu vực này với mức tăng trưởng 6,12%; ngành Lâm nghiệp tăng 3,98%. Trong khu vực Công nghiệp và Xây dựng, ngành Công nghiệp duy trì mức tăng trưởng cao 9,56%. Ngành Xây dựng 9 tháng duy trì mức tăng trưởng khá với tốc độ 8,33%.
Theo nhận định của Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt là động lực dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành Công nghiệp và toàn nền kinh tế, với mức tăng 11,37%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,7%, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,43%; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai khác dầu thô.
Trong khu vực dịch vụ, các ngành dịch vụ thị trường là động lực và có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế 9 tháng năm nay hầu hết đều đạt mức tăng trưởng khá. Trong đó, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ tăng 8,31% so với cùng kỳ năm trước, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ và cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,89 điểm phần trăm).
Theo đánh giá chung của các chuyên gia trong lĩnh vực thống kê, hoạt động dịch vụ trong 9 tháng qua diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.634.800 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,20% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,98%; khu vực dịch vụ chiếm 42,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,08% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 13,94%; 33,50%; 42,51%; 10,05%).
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý III/2019 nhìn nhận: Đa số các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, có 81,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III ổn định và tốt hơn quý II.