Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.879,01 USD vào lúc 0 giờ 30 phút (sáng 31/10 theo giờ Việt Nam) sau hai phiên giảm mạnh liên tiếp. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,6% lên 1.879,90 USD/ounce trong phiên này.
Ông Tai Wong, người đứng đầu bộ phận giao dịch phái sinh kim loại quý và cơ bản tại ngân hàng BMO cho biết giá vàng tăng trở lại khi đồng USD đảo ngược một phần mức tăng đáng ngạc nhiên trong hai phiên trước đó của mình. Chuyên gia này đánh giá giới đầu tư đang mua vào vàng sau khi kim loại này đi xuống trong thời gian gần đây nhằm tăng lượng vàng nắm giữ trước cuộc bầu cử Tổng thổng Mỹ vào tuần tới.
Nhìn chung, giá vàng đã có một tuần giao dịch không mấy khởi sắc khi có hai phiên giảm mạnh, hai phiên phục hồi nhẹ và một phiên không dịch chuyển.
Mở đầu tuần trong phiên 26/10, giá vàng thế giới hầu như không biến động khi sự gia tăng đột biến số các ca mắc mới tại Mỹ và châu Âu đã đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư, đặc biệt là khi số ca mắc mới chạm mức kỷ lục ở Mỹ. Còn tại châu Âu, Italy và Tây Ban Nha đã phải áp đặt các hạn chế đi lại mới để kiểm soát dịch bệnh.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới đầu tư Blue Line Futures, cho biết vàng đã bị “mắc kẹt” trong khoảng 1.930 - 1.880 USD/ounce và đang chờ đợi tín hiệu từ cuộc bầu cử cùng làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19.
Trong phiên 27/10, giá vàng thế giới tăng khoảng 0,4% nhờ đồng USD yếu và những lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Mặc dù cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang là mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư, khiến giá vàng biến động trong biên độ hẹp, song lo ngại về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới vẫn giúp vàng lên giá.
Tuy nhiên sang phiên 28/10, giá vàng thế giới tuột dốc gần 2% trong bối cảnh giới đầu tư đổ xô vào đồng USD khi không có dấu hiệu của bất kỳ biện pháp kích thích tài chính mới nào của Mỹ nhằm giảm bớt cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên 29/10 và rơi xuống mức thấp nhất trong một tháng. Chuyên gia Jeffrey Sica, người sáng lập Circle Squared Alternative Investments, nhận định đà giảm của giá vàng diễn ra là do mối lo ngại trong ngắn hạn về thời điểm gói kích thích kinh tế tại Mỹ được thông qua. Bên cạnh đó, đà tăng của đồng USD cũng tác động đến thị trường vàng.
Dù có phục hồi trong phiên 30/10, giá vàng thế giới vẫn giảm 1,3% trong cả tuần qua và đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. Còn theo số liệu từ Dow Jones Market Data, giá vàng cũng để mất 0,8% trong cả tháng 10.
Giới quan sát cho rằng hiện không có yếu tố hỗ trợ giá vàng nào dù số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng ở các nước châu Âu, khiến các nước này phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, bên cạnh những lo lắng về “sức khỏe” của kinh tế Mỹ và đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Kevin Rich, Cố vấn thị trường càng toàn cầu của Xưởng đúc tiền xu Perth Mint của Australia cho biết sắp tới vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ để vàng tiếp tục đà tăng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bất kể kết quả như thế nào.
Ông cho hay các gói kích thích tài khóa được áp dụng ở Mỹ và trên toàn cầu trong thời gian tới, kết hợp với khoản nợ chính phủ khổng lồ sẽ gây áp lực lên rất nhiều đồng tiền, bao gồm cả đồng USD. Một khi đồng bạc xanh yếu đi, sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng sẽ gia tăng đáng kể.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 24%. Kim loại quý này có xu hướng được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương vì nó được coi là “hàng rào” chống lạm phát và mất giá tiền tệ.