Vào năm 2014, đồng yen ở mức 114 yen đổi 1 USD. 10 năm sau, phải 153 yen mới đổi được 1 USD. Đây là mức tỷ giá sẽ được xem là không tưởng mà vào năm 2020 (khi 106 yen đổi 1 USD), và thậm chí đến năm 2022 (khi 132 yen đổi 1 USD), thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, con số này cũng có vẻ khó xảy ra.
Ngày 19/3/2024 là một ngày đáng nhớ trong lịch sử kinh tế, khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) từ bỏ chính sách lãi suất âm đã được áp dụng từ năm 2007, đưa lãi suất từ -0,1% lên khoảng 0,1%.
Đợt tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm này của BoJ gần như không đưa lãi suất của Nhật Bản đến gần bằng lãi suất của Mỹ hay châu Âu (3-5%). Tuy nhiên, điều này vẫn tạo ra tâm lý phấn khởi trên thị trường, với kỳ vọng rằng đây có thể là một khởi đầu mới cho những người lao động đang gặp khó khăn tại Nhật Bản.
Nhưng tờ Shukan Gendai lại nhận định ngược lại. Dù sự thay đổi chính sách này có ý nghĩa như thế nào trong dài hạn, thì tác động ngắn hạn của nó cũng là không đáng kể và đồng yen sẽ tiếp tục giảm giá.
Tờ Shukan Gendai dẫn lời của nhà báo chuyên về tài chính Tomoyuki Isoyama cho biết chỉ mới một năm trước, các nhà phân tích tài chính dự báo đồng yen sẽ quay trở lại mức 120 yen đổi 1 USD, nhưng giờ đây không còn ai dự đoán như thế nữa.
Shukan Gendai nhấn mạnh rằng dù lãi suất quan trọng nhưng vấn đề lại không chỉ nằm ở lãi suất. Mà đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố - bất ổn địa chính trị, tình hình căng thẳng trên toàn cầu về các nguồn tài nguyên quan trọng, và nhiều yếu tố riêng biệt trong nước. Cụ thể đó là tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng và ngày càng gia tăng, kết hợp với một xã hội đang già hóa nhanh chóng khiến triển vọng kinh tế dài hạn trở nên ảm đạm đến mức có thể làm nhụt chí bất kỳ tinh thần kinh doanh mạnh mẽ nào.
Theo ông Hiromichi Akiba, Chủ tịch chuỗi siêu thị Akidai, đồng yen giảm giá đang tác động tiêu cực đến thói quen ăn uống của người Nhật Bản. Ông chỉ ra rằng ngay cả thực phẩm nội địa cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, do thức ăn chăn nuôi và phân bón phải nhập khẩu. Cùng với đó, chi phí vận chuyển, tiện ích công cộng và hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đều đang tăng nhanh chóng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vậy người bán hàng có thể làm gì? Chuyển chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng? Điều này chỉ khả thi đến một mức độ nhất định - khi người tiêu dùng chuyển sang các lựa chọn khác hoặc không mua nữa. Ông Akiba cho biết những người trong ngành từng nghĩ rằng việc chấm dứt lãi suất âm sẽ giúp mọi thứ dễ thở hơn, nhưng giờ đây, dường như tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Chắc chắn là những người có thu nhập tăng theo lạm phát sẽ không quá khó khăn. Khoảng một tháng trước, các cuộc đàm phán tiền lương theo mùa đã đem lại mức tăng lương kỷ lục 5%. Nhưng đối tượng hưởng lợi là ai? Chủ yếu là nhân viên của các tập đoàn lớn. Trong khi đó, Shukan Gendai cho biết 70% lực lượng lao động Nhật Bản làm việc cho các công ty nhỏ thường viện lý do khó khăn tài chính để trả lương thấp cho nhân viên.
Còn Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết xuất khẩu của nước này đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp do đồng yen yếu và nhu cầu ở Trung Quốc gia tăng tạo ra lực đẩy cần thiết cho nền kinh tế khi tiêu dùng nội địa sụt giảm.
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 3/2024 tăng 7,3% lên 9.470 tỷ yen (61,09 tỷ USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 4,9%, xuống còn 9.100 tỷ yen (58,70 tỷ USD). Nhờ đó thâm hụt thương mại của nước này trong tài khóa 2023 giảm khoảng 70% so với tài khóa trước đó, xuống còn 5.890 tỷ yen (38 tỷ USD).
Trong tài khóa 2023 (kết thúc vào tháng 31/3/2024), xuất khẩu của Nhật Bản tăng 3,7% lên 102.900 tỷ yen. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vượt 100.000 tỷ yen và là năm thứ 3 liên tiếp đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tài khóa 2023 giảm 10,3% xuống còn 108.790 tỷ yen - giảm lần đầu tiên sau 3 năm do giá than, khí tự nhiên hóa lỏng và dầu thô đều giảm ở mức 2 chữ số.
Nhà kinh tế cấp cao Yayoi Sakanaka tại công ty nghiên cứu thị trường Mizuho Research & Technologies cho biết xuất khẩu trong tháng 3/2024 tăng chủ yếu do yếu tố tiền tệ, chứ xuất khẩu không mạnh đến vậy.