Chỉ số MXV-Index của 3 trong 4 nhóm hàng chìm trong sắc đỏ, kéo chỉ số MXV-Index chung toàn thị trường giảm 0,54% xuống 2.175 điểm. Dòng tiền chảy mạnh vào cả 4 nhóm hàng. Trong đó, giao dịch nhóm năng lượng chiếm tới 35,6% tổng giá trị giao dịch của toàn Sở ở mức 4.798 tỷ đồng.
Giá dầu tiếp tục đi xuống trong bối cảnh nội bộ OPEC+ bất đồng quan điểm về hạn ngạch sản xuất. Trong khi, diễn biến thị trường nhóm hàng nông sản cho thấy giá ngô giảm phiên giảm thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Mỹ.
Giá dầu đi xuống khi OPEC+ bất đồng về hạn ngạch sản xuất
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 27/11, giá dầu tiếp tục đi xuống trong bối cảnh Saudi Arabia và các thành viên khác trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất đồng quan điểm về hạn ngạch sản xuất.
Cụ thể, giá dầu WTI ghi nhận phiên giảm thứ tư liên tiếp với mức giảm 0,9% xuống 74,86 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 79,98 USD/thùng, giảm 0,7% so với phiên trước.
Hiện Saudi Arabia, quốc gia đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7, đang yêu cầu các nước khác trong liên minh OPEC+ giảm hạn ngạch sản xuất. Điều này đã vấp phải sự phản đối từ một số thành viên. Các đại biểu cho biết OPEC+ đang tiến tới thỏa hiệp về vấn đề này trước cuối tuần, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Iraq, Nga và Kazakhstan gần đây đã liên tục tăng sản lượng và vượt hạn ngạch. Trong khi đó, việc cắt giảm của các thành viên châu Phi tương đối khó bởi hạn ngạch đã bị điều chỉnh xuống thấp. Ngoài ra, UAE cũng khó chấp nhận giảm sản lượng, do đã đấu tranh trong cuộc họp hồi tháng 6 để nâng hạn ngạch thêm 200.000 thùng/ngày trong năm 2024. Sự bất đồng giữa các thành viên OPEC+ làm giảm khả năng cắt giảm sản xuất sâu hơn, từ đó gây sức ép lên giá dầu.
Ngoài ra, việc Iraq đang nỗ lực nối lại xuất khẩu dầu phía Bắc qua Thổ Nhĩ Kỳ, cũng góp phần bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Thứ trưởng Dầu mỏ quốc gia này cho biết các quan chức dầu mỏ Iraq sẽ gặp các đại diện công ty dầu mỏ quốc tế, và chính quyền Kurdistan vào đầu tháng 12. Cuộc gặp gỡ sẽ tập trung thảo luận về những thay đổi hợp đồng.
Giá ngô xuống mức thấp kể từ năm 2021
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá đậu tương đã trải qua một phiên giao dịch với diễn biến giằng co. Bên bán và mua vẫn đang cân khá cân bằng do tác động trái chiều của các thông tin liên quan đến nguồn cung tại Châu Mỹ. Đóng cửa phiên đầu tuần, giá ghi nhận mức thay đổi không đáng kể so với phiên trước đó.
Theo công ty tư vấn AgRural, tiến độ trồng đậu tương niên vụ 23/24 ở Brazil hiện mới chỉ đạt 74% kế hoạch. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ niên vụ 15/16 do điều kiện khí hậu bất lợi. Ngoài ra, hãng tư vấn HEDGEpoint mới đây đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2023/24 của Brazil xuống còn 160,1 triệu tấn, từ mức 162,3 triệu trong ước tính trước.
Đối với hai loại thành phẩm của đậu tương, giá của các mặt hàng này đều đóng cửa phiên hôm qua trong sắc xanh. Diễn biến khô đậu cũng tương đối giằng co, nhưng phe mua đã chiếm ưu thế hơn một chút trong bối cảnh thị trường còn nhiều lo ngại về vụ đậu tương năm nay của Brazil.
Trong khi đó, dầu đậu là mặt hàng tăng mạnh nhất trong nhóm khi nhảy vọt hơn 1,5%. Theo Intertek Testing Services, Malaysia đã xuất khẩu 1,26 triệu tấn sản phẩm dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 11, tăng 13,6% so với cùng kỳ tháng 10.
Giá ngô đã ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Mỹ là nguyên nhân chính khiến giá chịu áp lực trong phiên vừa rồi.
Giá lúa mì đã suy yếu gần 3% vào hôm qua, là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Sau giai đoạn biến động tương đối thận trọng, mặc hàng này đã chịu áp lực bán mạnh khi bắt đầu phiên tối.
Theo các số liệu từ báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết giao hàng lúa mì trong tuần kết thúc ngày 23/11 chỉ đạt trên 276.500 tấn, thấp hơn mức 366.400 tuần trước và mức 284.400 cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ giao lúa mì kể từ đầu niên vụ hiện tại cũng mới chỉ đạt 42,65% kế hoạch, thấp hơn mức 51,21% trong cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (27/11) giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta ổn định. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao hai tháng cuối năm nay trong khoảng 6.700 - 6.750 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá chào bán dao động ở mức 6.650 - 6.800 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 100 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.