Đồng nội tệ Malaysia giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng so với USD

Cuối phiên giao dịch ngày 23/6, đồng ringgit (RM) của Malaysia đã ghi nhận phiên mất giá thứ năm liên tiếp, rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 7 tháng do đồng USD mạnh lên và giá dầu suy yếu.

Trong khi đó, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp kỷ lục mới sau đợt tăng lãi suất nhẹ hơn dự kiến.

Chú thích ảnh
Kiểm tiền ringgit của Malaysia tại một quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hầu hết các loại tiền tệ châu Á khác cũng giảm giá, đồng won của Hàn Quốc và đồng baht của Thái Lan mất giá lần lượt là 0,6% và 0,4%, đồng won được giao dịch ở mức thấp nhất trong hơn hai tuần qua. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 0,6%, kéo dài khoản lỗ từ ngày 22/6 sau khi Ngân hàng Trung ương của nước này tăng lãi suất cơ bản thêm 650 điểm cơ bản, không đạt được kỳ vọng của thị trường. Đồng ruble của Nga đã giảm 3,8% do giá dầu giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến.

Thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như các Ngân hàng Trung ương lớn khác đã làm dấy lên lo ngại rằng những nỗ lực kiềm chế lạm phát sẽ gây ra suy thoái kinh tế.

Fiona Lim - chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Maybank - nói: “Các đồng tiền châu Á có tính chu kỳ và chúng có thể bị ảnh hưởng bởi lo ngại rằng việc thắt chặt hơn nữa của các Ngân hàng Trung ương có thể dẫn đến suy thoái nghiêm trọng hơn trong thời gian tới”.

Theo công cụ CME Fedwatch, khoảng 77% nhà đầu tư đã cho rằng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 7/2023, với việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Tại Malaysia (Ma-lai-xi-a), đồng ringgit đã mất giá tới 0,6%, đạt 4,674 đổi một USD, mức thấp nhất kể từ ngày 11/11.

Dữ liệu được công bố trước đó cho thấy lạm phát trong tháng 5/2023 đã giảm xuống 2,8% từ mức 3,3% của tháng trước, thấp hơn so với dự báo của các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.

Tại các quốc gia láng giềng, đồng rupiah của Indonesia được giao dịch thấp hơn 0,4%, một ngày sau khi ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất chính sách như dự kiến, đồng thời bổ sung rằng họ sẽ hiệu chỉnh các quyết định cắt giảm lãi suất hàng tháng.

Rully A. Wisnubroto, nhà kinh tế cấp cao tại Mirae Asset Sekuritas Indonesia, cho biết: “Chúng tôi cho rằng sự mất giá này, đặc biệt là đối với đồng ringgit của Malaysia và đồng rupiah của Indonesia, là do giá hàng hóa giảm gần đây, điều này đã có tác động đáng kể đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa”.

Trong tuần, đồng ringgit và đồng baht lần lượt giảm gần 1,3% và 1,6%, trong khi đồng rupiah giảm 0,4%.

Trong khi đó, dữ liệu lạm phát từ Singapore cho thấy thước đo giá tiêu dùng chính đã tăng 4,7% trong tháng 5/2023, trong khi lạm phát toàn phần tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5.

Đồng đô la Singapore đã giảm 0,4%.

Hằng Linh (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)
Những quốc gia dùng USD như đồng nội tệ
Những quốc gia dùng USD như đồng nội tệ

Trong khi một số quốc gia đi theo xu hướng phi đô la hóa thì một số nước lại sử dụng đồng bạc xanh như đồng nội tệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN