Sự thay đổi này dự kiến sẽ có tác động đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa đang được hưởng ưu đãi GSP sang thị trường các nước EAEU, đặc biệt là thị trường Nga. Vì vậy, các doanh nghiệp cần điều chỉnh hoạt động xuất khẩu cho phù hợp với thị trường này.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc WTO và Hội nhập cho hay, từ thông báo của Vụ Chính sách thương mại Ủy ban Kinh tế Á - Âu cho thấy, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á - Âu đã thông qua Quyết định 17 về việc điều chỉnh danh sách các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hệ thống GSP của EAEU. Đây là hệ thống ưu đãi thuế nhập khẩu mà EAEU đơn phương dành cho một số quốc gia đang và kém phát triển; trong đó có Việt Nam.
Đối với Việt Nam, cơ chế ưu đãi thuế GSP của EAEU đáng lẽ đã chấm dứt ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU có hiệu lực từ năm 2016. Tuy nhiên, EAEU đã chấp thuận cho Việt Nam tiếp tục hưởng GSP thêm 5 năm nữa sau khi Hiệp định này có hiệu lực.
Bà Trang khuyến nghị, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường EAEU, đặc biệt là thị trường Nga - đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong EAEU, cần chú ý đến thời hạn này để điều chỉnh hoạt động xuất khẩu của mình cho phù hợp. Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về mức thuế ưu đãi và quy tắc xuất xứ tương ứng để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu thay thế cho cơ chế GSP sẽ chấm dứt trong thời gian tới.
Theo quyết định này, EAEU đã đưa 75 nước đang phát triển và 2 nước kém phát triển nhất ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi GSP vì không còn phù hợp với tiêu chí được hưởng hỗ trợ kinh tế từ EAEU được quy định tại Quyết định số 47 ngày 06/04/2016 của Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á - Âu. Ngoài Việt Nam, EAEU còn loại trừ một số nước khác khỏi danh sách này như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Brunei… Việc thay đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 12/10/2021.