Tại châu Âu, chỉ số DAX 40 của Frankfurt tăng 0,7%, đóng cửa ở mức cao 16.275,38 điểm. Trong phiên, chỉ số này có lúc vượt mốc 16.300 điểm để đạt mức cao kỷ lục là 16.331,94 điểm. Chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,2% lên 7.756,87 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,6% lên 7.491,96 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,6% lên 4.395,30 điểm.
Thị trường châu Âu tăng điểm sau phiên giao dịch khá sôi động ở châu Á, dù cho chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải giảm điểm do lo ngại về kinh tế Trung Quốc.
Phố Wall mở cửa phiên cũng giao dịch trong vùng xanh, song sau đó chuyển màu do báo cáo cho thấy các cuộc đàm phán tại Washington vấp phải cản trở. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống 33.426,63 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống 4.191,98 điểm, còn chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite giảm 0,2% xuống 12.657,90 điểm.
Tuy vậy, nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang tài chính Briefing.com cho rằng mức giảm vừa phải này thể hiện niềm tin của thị trường vào một thỏa thuận có thể đạt được và Chính phủ Mỹ sẽ không rơi vào cảnh vỡ nợ.
Các thành viên của Đảng Cộng hòa tiếp tục nhấn mạnh việc Tổng thống Joe Biden cần phải thực hiện cắt giảm chi tiêu để đổi lấy sự ủng hộ trong việc nâng trần nợ, đồng thời phớt lờ những lời kêu gọi lặp đi lặp lại của đảng Dân chủ về việc tăng giới hạn vay mà không có điều kiện ràng buộc nào.
Trong ngày 19/5, Nhà Trắng cho biết vẫn còn những vấn đề quan trọng giữa hai bên về ngân sách. Một quan chức Nhà Trắng cho hay thực sự có những khác biệt giữa hai bên trong vấn đề ngân sách và các cuộc đàm phán sẽ khó khăn. Người này cho biết thêm phía ông Biden đang nỗ lực hướng tới một giải pháp hợp lý để có thể được Hạ viện và Thượng viện thông qua.
Trước đó, thị trường chứng khoán Âu Mỹ đồng loạt tăng trong các phiên 17-18/5, khi nhà đầu tư lạc quan hơn về các cuộc đàm phán trần nợ công tại Mỹ. Dù mở cửa tăng giảm đan xen, ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã chuyển sang sắc xanh sau những bình luận mang tính khích lệ của các nhà lãnh đạo Mỹ.
Nhà phân tích Michael Hewson của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho biết, nhà đầu tư ngày càng tin tưởng các bên rồi sẽ đạt được một thỏa thuận cuối cùng, như đã từng xảy ra trong nhiều lần tranh cãi tương tự trước đây.
Thị trường cũng chú ý tới việc Walmart công bố kết quả quý I/2023 tốt hơn mong đợi và nâng dự báo lợi nhuận cả năm. Thông tin này đã xoa dịu phần nào nỗi lo về chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, mặc dù lạm phát cao vẫn ảnh hưởng đến các hộ gia đình. Cổ phiếu của nhà bán lẻ này - một phần cấu thành của chỉ số Dow Jones - đã tăng 1,3% lên 151,47 USD/cổ phiếu khi đóng cửa giao dịch.
Một thông tin khác cũng thu hút sự chú ý của thị trường là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã giảm vào tuần trước xuống còn 242.000 đơn. Thị trường lao động mạnh mẽ là một trong những lý do khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất. Song thị trường lo ngại rằng ngân hàng trung ương này có thể thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Thêm vào đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, bà Lorie Logan, cùng với ba thành viên khác của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tăng lãi suất bổ sung vào tháng tới. Điều này cho thấy Fed có thể cần tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp vào hai ngày 13-14/6.
Ngoài ra, thông tin ngân hàng Western Alliance Bancorporation đã có thêm 2 tỷ USD tiền gửi trong quý II tính đến nay cũng đã khích lệ thị trường chứng khoán phiên 17/5. Trước đó, những lo ngại về sự sụt giảm lượng tiền gửi đã đè nặng lên nhóm cổ phiếu của các ngân hàng khu vực. Sau thông tin nói trên, cổ phiếu của Western Alliance tăng 10,2%, trong khi cổ phiếu của các ngân hàng khu vực Zions Bancorporation và Comerica International đều tăng hơn 12%.
Nhìn chung sắc xanh vẫn chiếm thế chủ đạo trong tuần này, ngoại trừ phiên 16/5, khi thị trường vừa chờ đợi những diễn biến tiếp theo về một thỏa thuận để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của Chính phủ Mỹ, vừa đón nhận thông tin không mấy lạc quan về “thể trạng” các nền kinh tế lớn.
Doanh số bán lẻ của Mỹ hồi phục thấp hơn dự kiến vào tháng trước ở mức 0,4% đã khiến thị trường lo lắng. Đặc biệt khi một nhà bán lẻ lớn của nước này - Home Depot báo cáo doanh thu quý đầu tiên suy yếu do chi tiêu của người tiêu dùng giảm.
Nhà phân tích Patrick O'Hare cho biết số liệu trên không đủ mạnh để giảm bớt những lo lắng về việc hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu, nhưng cũng không đủ yếu để khiến Fed nghĩ rằng họ nên sớm cắt giảm lãi suất.
Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng bị đè nặng bởi dữ liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế đã có dấu hiệu “hụt hơi” của Trung Quốc, với các chỉ số chính không đạt kỳ vọng do nhu cầu trong nước yếu. Chuyên gia Streeter cho hay thông tin trên làm tăng thêm lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.