Mặc dù các nỗ lực kiểm tra, giám sát được tăng cường, thị trường TP Hồ Chí Minh vẫn xuất hiện nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 734 cơ sở vi phạm, xử phạt 396 cơ sở với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Không chỉ từ cơ sở sản xuất trong nước, thực phẩm không an toàn còn xâm nhập vào thành phố qua nhiều nguồn khác nhau. Gần đây, đoàn kiểm tra liên ngành do Quản lý thị trường và Công an thành phố Thủ Đức đã phát hiện 7,8 tấn thực phẩm đông lạnh, gồm nội tạng động vật, không hóa đơn chứng từ tại một điểm kinh doanh. Lô hàng này không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng và thiếu nhãn hàng hóa theo quy định. Những vụ việc như vậy cho thấy, dù lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, kiểm soát, tình trạng vi phạm vẫn còn phổ biến, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết đang áp dụng nhiều giải pháp để phát triển chuỗi cung ứng bền vững, an toàn và minh bạch. Theo đó, nhà cung cấp sẽ tự nguyện kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất và chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ được cấp chứng nhận “Tick xanh trách nhiệm.”
Riêng các nhà bán lẻ sẽ cùng tham gia kiểm soát chất lượng và ưu tiên phân phối sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm.” Ông Hùng nhấn mạnh, người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, cảnh báo và ưu tiên chọn lựa sản phẩm có chứng nhận này.
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có 61 cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các mặt hàng như thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau quả tươi, thủy sản sơ chế, tổ yến, và một số loại cá khô. Sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai truy xuất nguồn gốc cho mặt hàng rau củ, quả tươi.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhập về, Sở Công Thương tăng cường hợp tác với các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon và Satra. Theo đó, các đơn vị này đã ký thỏa thuận hợp tác với ngành nông nghiệp và công thương tại các địa phương có vùng nguyên liệu lớn như Lâm Đồng, Tiền Giang để hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất thực phẩm an toàn từ nguồn gốc. “Đây là vấn đề lớn và lâu dài, cần sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều phía”, ông Phương chia sẻ.
Là một trong những nhà phân phối lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh, Saigon Co.op đã ký kết hợp tác kiểm soát truy xuất nguồn gốc hàng hóa với các nhà cung cấp, như HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, Công ty Mekong Delta Foods, Công ty Xuân Thái Thịnh, và Công ty San Hà.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, mục tiêu chính của việc hợp tác này là xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tạo hàng rào ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, bảo vệ lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng. “Chính cam kết này đang tạo niềm tin cho người mua sắm tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op trên toàn quốc”, ông Đức nói.
Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng cũng gia tăng. Để ứng phó, các lực lượng chức năng sẽ phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thực phẩm và sản phẩm từ động vật, đặc biệt tại các cửa ngõ thành phố, nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn thâm nhập thị trường.
Theo Báo cáo về hành vi và xu hướng tiêu dùng của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn thực phẩm. Đối với nhóm ngành này, yếu tố an toàn vệ sinh và tươi ngon là ưu tiên hàng đầu. Việc TP Hồ Chí Minh xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt.