Giới phân tích nhìn nhận, đằng sau sự hồi phục của thị trường có động lực từ các “câu chuyện” như: Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024; nâng hạng thị trường, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất… Đây sẽ là “cú hích” để giải tỏa bớt việc thận trọng của nhà đầu tư.
Lý giải về sự hồi phục của thị thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, hai ngày thứ Năm (19/9) và thứ Sáu (20/9) sẽ có nhiều sự kiện quan trọng, có thể thị trường đang phản ứng trước những thông tin này.
Đầu tiên là cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào sáng ngày thứ mai (19/9), cơ quan này sẽ công bố mức lãi suất mới. Theo dự báo của thị trường, đâu đó khoảng 65% đang kỳ vọng rằng, Fed sẽ giảm 0,5% lãi suất. Kịch bản thứ 2 là giảm 0,25% lãi suất. Như vậy kể cả kịch bản nào chăng nữa thì đều là giảm lãi suất. “Có thể đây cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới thị trường”, ông Minh nhận định.
Một vấn đề nữa cũng ít nhiều ảnh hưởng đến diễn biến thị trường đó là các phiên đáo hạn, hoặc các đợt cơ cấu của các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục).
Theo ông Minh, có 2 nguyên nhân chính giúp thị trường đi lên đó là Fed sẽ giảm lãi suất và rất nhiều cổ phiếu đã giảm rất mạnh giai đoạn vừa qua, bị rơi vào trạng thái quá bán, mức định giá hấp dẫn hơn. Giai đoạn vừa qua, mức P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu) về mức xấp xỉ 13,5 lần và P/E dự phóng cho cả năm 2024 ở mức 12 lần. “Có thể thấy rằng thị trường đã bị chiết khấu, do đó mức định giá đang hấp dẫn trở lại”, ông Minh nói.
Bên cạnh đó, một số thông tin trong nước, chẳng hạn như việc Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Thông tư 68/2024/TT-BTC đã bổ sung quy định về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đây là bước tiến rất quan trọng để gỡ “nút thắt” đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell.
Đây là thông tin được mong chờ từ khá lâu của giới đầu tư và sẽ tạo ra tín hiệu tích cực khi vào cuối tháng này, tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell sẽ công bố cho việc review (rà soát) nâng hạng kỳ này, đánh giá về khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong lần này. Đợt công bố trước, Việt Nam đang nằm trong diện xem xét nâng hạng, sau khi ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC, hy vọng rằng FTSE Russell sẽ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi thứ cấp. Điều này sẽ giải quyết được bài toán tâm lý của nhà đầu tư.
Bởi vì trong thời gian vừa qua khi VN-Index tăng lên tới 1.300 điểm sau đó điều chỉnh giảm về 1.235 điểm, nguyên nhân chính là do dòng tiền yếu do tâm lý thận trọng quá mức của giới đầu tư. Đặc biệt là không có câu chuyện nào để kích thích thị trường tăng điểm. Do đó, các câu chuyện như ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC, nâng hạng thị trường, Fed giảm lãi suất… sẽ là “cú hích” để giải tỏa bớt việc thận trọng của nhà đầu tư.
Nhờ những câu chuyện gắn hạn này sẽ tạo ra động lực để hút dòng tiền đang chờ đợi ở bên ngoài thị trường. Giai đoạn hiện tại, kênh đầu tư chứng khoán vẫn được cho là tạo ra mức sinh lời tốt, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh nhìn nhận.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), dự báo Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản trong đợt cắt giảm lãi suất tháng 9 này. Thống kê kể từ khi thành lập vào tháng 7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam, đại diện bởi VN-Index chứng kiến tổng cộng 4 lần giảm lãi suất từ Fed; trong đó có 3 lần giảm lãi suất lớn liên quan đến các sự kiện kinh tế khủng hoảng toàn cầu năm 2001, 2007 và 2020.
Trong bối cảnh kinh tế chung, VN-Index cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ phản ứng của VN-Index có sự khác biệt trong từng chu kỳ.
Về tác động của việc Fed hạ lãi suất đến Việt Nam, ABS cho biết giảm lãi suất USD sẽ dẫn đến giảm áp lực tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền đồng.
Điều này giúp giảm chi phí vay vốn bằng ngoại tệ của Việt Nam và hỗ trợ kiềm chế lạm phát do tỷ giá tăng gây ra. Mặt khác, tỷ giá giảm có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với lúc tỷ giá cao kỷ lục, nhưng tác động không quá lớn. Đồng thời, niềm tin vào giá trị đồng nội tệ trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ gia tăng.
ABS cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn khi Fed hạ lãi suất. Trước đây, lãi suất USD duy trì ở mức cao đã gây áp lực lớn về tỷ giá.
Đánh giá tác động của Fed giảm lãi suất tới thị trường chứng khoán, ABS đánh giá việc hệ thống ngân hàng có thể đẩy mạnh tăng tín dụng luôn cải thiện thanh khoản của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Lãi suất USD hạ giúp thu hút vốn đầu tư quốc tế vào các thị trường các nước đang phát triển, vốn có mức chênh lệch đáng kể của lãi suất đồng nội tệ đối với lãi suất USD. Điều này ngược lại với thực tế thời gian qua, khi lãi suất USD “neo”cao, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ các thị trường mới nổi, cận biên trở về Mỹ.
Số liệu cho thấy trong 2 tuần vừa qua, khối ngoại đã có động thái mua ròng tại một số thị trường trong ASEAN như Indonesia, Malaysia… Mặc dù vẫn đang tiếp tục bán ròng tại Việt Nam, nhưng đà bán ròng đã giảm mạnh trong 2,5 tháng vừa qua, đồng thời xuất hiện trở lại các phiên mua ròng", ABS nhìn nhận.
Theo đó, việc Fed hạ lãi suất trong ngắn hạn có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế và chứng khoán Việt Nam hơn là các tác động tiêu cực. Diễn biến của VN-Index sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ sức mạnh nội tại của nền kinh tế trong nước, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Tuy nhiên, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam và với vị thế ảnh hưởng quan trọng của nền kinh tế Mỹ đối với kinh tế toàn cầu nói chung và quan hệ kinh tế Việt Mỹ nói riêng, các hành động cụ thể từ chính sách nới lỏng của Fed và kịch bản hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ diễn ra sẽ có tác động không nhỏ đến Việt Nam. Nhà đầu tư cần tiếp tục theo sát diễn biến để có những đánh giá và dự báo kịp thời, ABS khuyến nghị.
Cuối phiên giao dịch 18/9, nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, thị trường có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp ngay trước thềm công bố lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cùng với sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn của dòng tiền.
Mặc dù không còn duy trì được xung lực mạnh mẽ trong phiên trước đó khi có phần “hụt hơi” trong phiên chiều, song chỉ số VN-Index vẫn thành công chinh phục thêm đường trung bình MA10 (đường trung bình thể hiện tâm lý 2 tuần tương ứng với 10 ngày giao dịch) cùng với thành quả bật tăng gần 6 điểm.
Phiên sáng nay (18/9) chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường khi bật tăng hơn 12 điểm cùng với thanh khoản tăng đến 74,4% so với phiên trước đó. Dẫn dắt đà tăng thị trường là nhóm cổ phiếu tài chính như chứng khoán và ngân hàng.
Lực cầu không còn duy trì sự áp đảo trong phiên chiều sau khi chạm ngưỡng kháng cự quanh 1.270 điểm. Chỉ số từ từ trượt dốc với sự suy yếu của nhóm dẫn dắt. Phân tích kỹ thuật cho thấy nguồn cung vẫn cao tại các mốc kháng cự.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/9, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.264.90 điểm, tăng 5,95 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể, vượt 5% so với mức bình quân 20 phiên giao dịch cho thấy sự nhập cuộc mạnh mẽ của nhà đầu tư.
Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 743 triệu cổ phiếu (tăng 26,16% so với phiên hôm qua), tương đương 18,511 tỷ đồng (tăng 37,04%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường duy trì trong sắc xanh phiên thứ 2 liên tiếp với 13/21 nhóm ngành tăng điểm. Dẫn dắt đà hồi phục của thị trường trong phiên hôm nay phải kể đến những nhóm ngành bứt phá mạnh như: Công nghệ viễn thông (tăng 5,08%), chứng khoán (tăng 1,62%), bán lẻ (tăng 1,49%)...
Ở chiều ngược lại, áp lực điều chỉnh phủ bóng lên một số nhóm ngành: Nhựa (giảm 0,75%), thực phẩm tiêu dùng (giảm 0,7%), phân bón (giảm 0,54%)...
Giao dịch khối ngoại là điểm sáng đáng chú ý trong những phiên gần đây với phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tháng 9.
Tính đến cuối phiên giao dịch, nhóm nhà đầu tư ngoại mua ròng 313 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tâm điểm mua ròng trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu: SSI (137 tỷ đồng), FPT (104 tỷ đồng)... Ở chiều bán ròng, khối ngoại vẫn mạnh tay hạ tỷ trọng một số cổ phiếu: HPG (87 tỷ đồng), KDH (66 tỷ đồng), VPB (62 tỷ đồng)...
CSI nhìn nhận tâm lý của giới đầu tư vẫn đang nóng lòng chờ đợi quyết định chính sách của Fed nên khá dè chừng trong giao dịch. Dẫu vậy với thanh khoản cải thiện, VN-Index có phiên tăng thứ 2 và sự mua ròng trở lại của khối ngoại là những tín hiệu tích cực.