Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/12, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên cả 3 sàn giao dịch đều đồng loạt tăng giá; trong đó, có 4 mã tăng trần, bao gồm EIB, HDB, TPB và SHB. Đây cũng là phiên liên tiếp thứ 2 cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) duy trì sắc màu tím, sau phiên lội ngược dòng vào ngày 23/12. Chỉ trong vòng 1 tuần, thị giá của cổ phiếu này đã tăng 20% - mức tăng giá cao nhất của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong nhiều tháng gần đây.
Cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đang là tâm điểm sự chú ý của giới đầu tư, sau khi có thông tin ngân hàng này sẽ được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài.
Trong báo cáo cập nhật về HDBank vừa được phát hành, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, HDBank là một trong số ít ngân hàng đang được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại EVFTA. Nếu được chọn trở thành ngân hàng thí điểm sẽ là một điểm sáng hỗ trợ giá của cổ phiếu, khi việc nới giới hạn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn hơn.
Sự trở mình của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên hôm nay được giới đầu tư nắm giữ cổ phiếu nhóm này kỳ vọng sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ trong khoảng thời gian cuối năm, khi tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng hồi phục, nhiều ngân hàng đã và đang có kế hoạch tăng vốn…
Trong báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) có nhận định, triển vọng chung của thị trường vẫn rất tích cực, tuy nhiên cơ hội sẽ không đồng đều với các nhóm ngành mà sẽ có sự phân hóa.
Thống kê dữ liệu lớn của Agriseco đã chỉ ra tính chu kỳ khá rõ nét tại một số nhóm cổ phiếu. Cụ thể, trong khoảng thời gian 1 tháng tới (từ ngày 15/12/2021 tới ngày 15/1/2022), thường là giai đoạn tăng điểm của nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó có nhóm ngân hàng.
Theo các chuyên gia của Agriseco, trong giai đoạn cuối năm nay, ngành ngân hàng cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng có xu hướng phục hồi mạnh trong quý 4 và năm 2022. Trong khi đó, nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của các ngân hàng tăng trong quý 3/2021 có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai. Tuy nhiên, các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục; đồng thời, thị trường bất động sản (tài sản bảo đảm chính của các ngân hàng) duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp xấu.
Mặt khác, với diễn biến thị trường thuận lợi, nhiều ngân hàng đã và đang có kế hoạch phát hành tăng vốn trong thời gian tới. Việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, từ đó, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.
Chưa kể, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư…