Tính chung cả tuần (13 - 17/12), xét theo mức độ đóng góp, VHM, BCM và DIG là ba mã cổ phiếu mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index, với giá trị đóng góp hơn 11 điểm cho thị trường.
Theo quan sát, khác với giai đoạn trước khi mà dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu cho thuê bất động sản khu công nghiệp, lần này những cổ phiếu về bất động sản nhà ở thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Trong nhóm có vốn hoá lớn, hai mã cổ phiếu họ Vin là VHM và VRE cùng có thêm khoảng 2,5% thị giá chỉ trong phiên giao dịch cuối tuần; cổ phiếu KDH cũng tăng 4,3% về thị giá và đang có thị giá tương đương mức đỉnh tháng 11 vừa qua; cổ phiếu BCM cũng kéo dài chuỗi phiên tăng mạnh trong tuần này, với trung bình tăng trưởng 3,7%/phiên…
Theo các nhà phân tích, việc cổ phiếu bất động sản liên tục làm chủ dòng tiền trong những phiên vừa qua được hỗ trợ bởi thông tin đấu giá đất kỷ lục tại phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức trước đó.
Thực tế, thị trường bất động sản đang như một chiếc lò xo bị nén chặt trong suốt 2-3 năm qua. Vậy nên, những dự án hạ tầng quy mô lớn liên tục được khởi công và các cuộc đấu giá đất vừa diễn ra nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Chị Đặng Bích Ngọc (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, trong cơ cấu danh mục đầu tư của chị đang có nhóm bất động sản; trong đó, có nhiều mã được hưởng lợi trực tiếp từ thông tin như trên như mã VRE, VHM, hay BCM. Song, chị chưa có ý định bán ra tại thời điểm này.
Theo chị, bất động sản là nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ, mà quý IV thường là quý cao điểm của thị trường bất động sản với hoạt động mua bán sôi động nên cổ phiếu của các doanh nghiệp này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Chị kỳ vọng nhóm ngành này sẽ tạo thêm sóng mới cho thị trường trong thời gian tới.
Về trung và dài hạn, cổ phiếu bất động sản vẫn có thể tiếp tục làm chủ dòng tiền khi bất động sản được nhận định sẽ là kênh hút dòng tiền đầu tư.
Chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho biết: “Dòng cổ phiếu bất động sản liên tục tăng rất nóng, hết vượt các đỉnh cũ, rồi lại thiết lập đỉnh mới. Xu hướng tích cực của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa có chiều hướng dừng lại và chúng tôi nhận thấy kỳ vọng tăng giá vẫn còn rất lớn”.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng chỉ ra rằng, dư địa phát triển dành cho bất động sản còn nhiều. Tỷ trọng ngành bất động sản của Việt Nam năm 2020 chỉ mới đạt 20,89 tỷ USD, chiếm 7,7% GDP cả nước. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ trọng này thường chiếm từ 20 - 25% tổng GDP. Vậy nên, ngành bất động sản tại Việt Nam vẫn kỳ vọng nhiều vào dư địa để phát triển.
Ghi nhận trong tháng cuối của năm 2021 cho thấy, bất chấp bối cảnh dịch bệnh vẫn kéo dài và diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản khu vực phía Nam đã dấu hiệu khởi sắc khi chứng kiến hàng loạt dự án đồng thời khởi công sau chuỗi ngày dài khan hiếm nguồn cung mới.
Ngoài ra, triển vọng của thị trường còn trông đợi ở nhiều yếu tố lạc quan khác như chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang được hoàn thiện với các mốc gia tăng diện tích bình quân nhà ở. Cùng đó, phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công được thúc đẩy, các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần cùng với tốc độ đô thị hoá tăng nhanh... đang trở thành những "điểm cộng" đem đến xu hướng tích cực cho thị trường bất động sản.
Sự bền vững của nhóm bất động sản còn thể hiện qua lượng vốn tư nhân và vốn FDI đổ mạnh vào thị trường này. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11/2021, tổng vốn ngoại đăng ký mới vào lĩnh vực bất động sản đã đạt gần 2 tỷ USD, tiếp tục trụ ở vị trí thứ ba trong nhóm các lĩnh vực.