Nhằm mang lại lợi ích cho các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (SAI) thuộc Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán Tối cao châu Á (ASOSAI) trong việc trao đổi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và phát triển Kiểm toán viên trong kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững,
Báo cáo nghiên cứu của Ủy ban Đặc biệt của ASOSAI về tính khả thi của việc thành lập Nhóm Công tác của ASOSAI về SDG cho biết: Năm 2016, 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thống nhất phê chuẩn các SDG với mong muốn hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người dân của họ đến năm 2030. Những mục tiêu này giải quyết những thách thức toàn cầu trong phát triển kinh tế, hội nhập xã hội và phát triển bền vững môi trường. Chính phủ các nước được yêu cầu sử dụng nguồn lực tài chính và nhân sự đáng kể để có thể đạt được những mục tiêu này. Do đó, các SAI cam kết thực hiện vai trò của mình trong đáng giá việc sử dụng hiệu quả và hiệu lực các nguồn lực và thực hiện xác minh tính hiệu lực của các chương trình, kế hoạch của chính phủ trong việc đạt được các mục tiêu SDG.
Tuy nhiên, kiểm toán SDG đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn đầy đủ; đào tạo cho Kiểm toán viên về cả ba vấn đề nói trên cũng như cần đánh giá chính xác hiệu quả và tiến độ triển khai của chính phủ trong việc đạt được các mục tiêu. Mặc dù Liên hợp quốc đã đề ra những chỉ số hoạt động cho từng tiểu mục tiêu, tính sẵn có và tính chính xác của dữ liệu vẫn đang là một vấn đề cần xử lý. Do đó, một trong những cách tốt nhất để xử lý những khó khăn này là học hỏi những thông lệ tốt nhất từ các SAI dựa trên kinh nghiệm của họ.
Trình bày báo cáo trên, tại Cuộc họp BĐH lần thứ 55, đại diện Ủy ban Kiểm toán quốc gia Kuwait (SAB) cho biết, trong cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 54 tổ chức từ ngày 23 - 24/7/2019, SAB đã trình bày về một nghiên cứu có tiêu đề “Vai trò của SAI trong thúc đẩy SDG”. Nghiên cứu đã đề xuất thành lập một Nhóm Công tác trong ASOSAI để xử lý các vấn đề liên quan SDG. Mục tiêu của Nhóm là chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa các SAI khác nhau về các lĩnh vực liên quan đến SDG trong vòng 10 năm tiếp theo (đến năm 2030), nhằm làm giàu cho lĩnh vực này ở cả cấp độ khu vực và quốc tế.
Theo quy tắc và quy định của Quy tắc của ASOSAI, một trong những chức năng của BĐH là “thành lập các Ủy ban thực hiện các mục đích cụ thể, các dự án và xây dựng quy tắc, quy trình cho từng ủy ban”. Do đó, Ban Điều hành đã quyết định thành lập một Ủy ban đặc biệt để nghiên cứu về tính khả thi của đề xuất và bầu chọn SAB là SAI chủ trì của Ủy ban này. Ủy ban gồm 6 thành viên gồm Trung Quốc, Nhật Ban, Nê-pan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Trên cương vị là Chủ tịch của Ủy ban đặc biệt, SAB đã xây dựng kế hoạch hoạt động, quy tắc thủ tục và báo cáo này sau khi xem xét tổng thể các ý kiến của thành viên và đã nhận được sự thống nhất thông qua của các thành viên.
Báo cáo là nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập Nhóm công tác ở cấp độ ASOSAI cũng nêu khá cụ thể về các nội dung: Tổng quan về các SDG; Vai trò của các tổ chức quốc tế trong triển khai SDG, trong đó đề cập tới Kế hoạch chiến lược của các tổ chức quốc tế về SDG, cụ thể là của INTOSAI và ASOSAI.
Với quy mô của một tổ chức chuyên môn hình mẫu cấp khu vực. Báo cáo cũng cho biết ASOSAI sẽ nỗ lực để giúp các thành viên hỗ trợ các đóng góp của họ vào việc hiện thực hóa các SDG của Chương trình nghị sự hậu 2016 của Liên hợp quốc.
Báo cáo cho rằng, Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tổ chức tại Việt Nam đã phản ánh tầm nhìn dài hạn của ASOSAI cũng như xác định vai trò của ASOSAI và nỗ lực của tổ chức đối với việc đạt được SDG. Tuyên bố đặt ra hai mục tiêu chiến lược gồm: Thúc đẩy chia sẻ kiến thức; tăng cường năng lực trong cộng đồng ASOSAI về kiểm toán môi trường vì phát triển bền vững. SAI Trung Quốc - Chủ tịch của Nhóm Công tác về kiểm toán môi trường ASOSAI (ASOSAI WGEA) sẽ là SAI chủ trì. Mục tiêu thứ hai là thực hiện SDG và giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu được phân bổ cho các nhóm nghiên cứu, dự án riêng lẻ.
Đại diện SAB nêu rõ, trong cơ cấu tổ chức của ASOSAI hiện nay không có một nhóm công tác, ủy ban nào chịu trách nhiệm theo dõi SDG. Tuy ASOSAI WGEA có một vai trò thiết yếu trong trong việc thực hiện các hoạt động, dự án SDG liên quan đến các vấn đề môi trường. SDG còn bao gồm hai lĩnh vực liên quan đến các vấn đề kinh tế và xã hội mà hiện nay không có bộ phận cụ thể nào trong ASOSAI quản lý. Hơn nữa, ASOSAI WGEA sẽ hoạt động vượt ngoài phạm vi trách nhiệm của mình nếu đảm nhiệm 2 lĩnh vực nói trên. “Do đó, việc có một nhóm công tác chịu trách nhiệm về SDG trong 10 năm tới là điều cần thiết nhằm cung cấp mức độ đảm bảo cao hơn về tính hiệu lực của việc thực hiện Mục tiêu chiến lược thứ hai” - Báo cáo nghiên cứu nêu rõ.
Nhóm Công tác của ASOSAI về SDG sẽ tiếp cận được tất cả các thành viên ASOSAI và có thể thực hiện tất cả các hoạt động và dự án liên quan đến SDG sau khi phối hợp chặt chẽ và thống nhất với WGEA và Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực (CDA), nhằm tránh trùng lặp và chồng lấn nhiệm vụ. Nhóm công tác cũng sẽ tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên đề và các cuộc họp liên quan đến SDG ở cấp độ INTOSAI và Liên Hợp Quốc; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến khi kết thúc Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Mục tiêu chính của Nhóm Công tác ASOSAI về SDG là thúc đẩy vai trò của các thành viên ASOSAI trong đánh giá việc triển khai SDG trong khu vực. Phạm vi của Nhóm bao gồm các cuộc kiểm toán phối hợp, hợp tác và đề án nghiên cứu giữa các thành viên ASOSAI về những vấn đề SDG chung bên cạnh tăng cường kiến thức và kỹ năng của kiểm toán viên thông qua SAI quản trị xây dựng năng lực CDA của ASOSAI và các sáng kiến của IDI.
Được biết, ASOSAI đang triển khai nhiều hoạt động, dự án liên quan đến SDG như Đề án nghiên cứu ASOSAI lần thứ 12 về “Kiểm toán việc triển khai SDG”. Ngoài ra, ASOSAI WGEA đã thực hiện một cuộc kiểm toán hợp tác về Bảo vệ môi trường nước năm 2019. Tuy nhiên, kiểm toán hợp tác về SDG liên quan đến các khía cạnh kinh tế và xã hội hoặc các báo cáo khác về tiến độ thực hiện SDG của khu vực ASOSAI vẫn chưa được thực hiện, trừ Chương trình kiểm toán hoạt động hợp tác IDI-ASOSAI về SDG giai đoạn 2020 - 2021, trong đó các khía cạnh kinh tế và xã hội có thể được lựa chọn theo các mục tiêu quốc gia của các SAI tham gia.
Tại cuộc họp, sau khi các thành viên BĐH thảo luận, đánh giá về những cơ hội và rủi ro trong việc thành lập Nhóm, BĐH đã nhất trí thông qua việc thành lập Nhóm Công tác về kiểm toán SDG. Với tư cách là Chủ tịch ASOSAI, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc đề nghị Ủy ban đặc biệt của ASOSAI triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo như xây dựng điều khoản tham chiếu của Nhóm Công tác, xác định thành viên Nhóm Công tác để báo cáo tại cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 56 diễn ra tại Thái Lan, dự kiến được tổ chức tháng 9/2021.