Chốt phiên giao dịch ngày 16/3, cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều tăng, lần lượt ở các mức 1,55%, 2,24% và 3,77%. Cụ thể, chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức 34.063,1 điểm, chỉ số S&P 500 đạt 4.357,86 điểm và chỉ số Nasdaq dừng ở 13.436,55 điểm.
Các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần qua. Chỉ số liên châu Âu STOXX 600 tăng 3,06%. Chỉ số FTSE 100 trên thị trường chứng khoán London (Anh) tăng 1,6% đóng cửa ở mức 7.291,68 điểm. Chỉ số DAX trên thị trường chứng khoán Frankfurt (Đức) tăng 3,8% lên 14.440,74 điểm.
Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán cũng đều "xanh". Chỉ số Hang Seng trên thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) tăng 4,5% lên 20.986,19 điểm.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các chỉ số chứng khoán tại Nhật Bản đã bật tăng mạnh. Sau 15 phút giao dịch đầu tiên sáng 17/3, chỉ số Nikkei-225 đã tăng 827,52 điểm (tương đương 3,21%) so với thời điểm đóng cửa phiên giao dịch trước, lên 26.589,53 điểm. Chỉ số Topix của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) cũng tăng 45,49 điểm (tương đương 2,45%) lên 1.898,74 điểm. Những loại cổ phiếu tăng giá mạnh là cổ phiếu của các công ty đồ điện gia dụng, máy móc.
Tuy nhiên, đồng yen của Nhật Bản tiếp tục mất giá mạnh so với đồng USD. Cụ thể, tỷ giá hối đoái giữa đồng yen và USD được niêm yết ở mức 1 USD đổi 118,85-118,90 yen, tăng nhẹ so với mức giá đóng cửa 118,37-118,38 yen/USD trong phiên giao dịch ngày 16/3. Như vậy, tỷ giá này đã chính thức vượt qua mức đỉnh 1 USD đổi được 118,66 yen của năm 2016.
Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yen suy yếu so với USD là do các nhà đầu tư lo ngại việc FED tăng lãi suất sẽ khiến khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ nới rộng, từ đó có thể dẫn tới việc dòng tiền chảy ra khỏi Nhật Bản.
Trong khi đó, giá dầu thế giới tiếp tục đà "lao dốc", giảm lần thứ 5 trong 6 ngày qua. Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,9% xuống còn 98,02 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,5%, đóng cửa ở mức 95,04 USD/thùng.