Chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều trước 'bão' tin tức

Thị trường chứng khoán biến động trái chiều và đồng USD giảm giá trong phiên ngày 14/2, khi các nhà đầu tư tập trung dõi theo những thông báo về thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với các dữ liệu kinh tế và báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Các chỉ số chứng khoán tại Phố Wall diễn biến trái chiều vào cuối phiên, với chỉ số S&P 500 gần như đi ngang ở mức 6.114,63 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống 44.546,08 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,4% lên 20.026,77 điểm.

Các chỉ số chuyển động ngược chiều nhau bất chấp dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1/2025 giảm mạnh hơn dự kiến, ở mức 0,9% so với tháng 12/2024.

Theo nhà phân tích Patrick O'Hare của Briefing.com, lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ là yếu tố bù đắp cho những lo ngại về thuế quan và lạm phát tăng, từ đó giúp thị trường phần nào duy trì tâm lý ổn định.

Tuy nhiên, lạm phát tăng trở lại hoặc được giữ ở mức cao sẽ gây khó khăn cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/2 tuyên bố sẽ phản ứng “mạnh mẽ và ngay lập tức” đối với các rào cản thương mại, sau khi ông Trump công bố các mức thuế có thể ảnh hưởng đến các đồng minh và đối thủ cạnh tranh của Mỹ.

Trước đó ngày 13/2, ông Trump cho biết đã quyết định áp thuế đối ứng - một động thái leo thang mạnh mẽ trong cuộc chiến thương mại quốc tế mà ông đã khởi xướng kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ không có hiệu lực cho đến khi một nghiên cứu được hoàn thành.

Bất chấp căng thẳng thương mại gia tăng, tâm lý nhà đầu tư vẫn ổn định nhờ hy vọng rằng nhiều mức thuế có thể được rút lại thông qua đàm phán, trong khi việc ông Trump công bố kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán về hòa bình ở Ukraine với người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã làm tăng thêm sự lạc quan.

Trong số các thị trường chứng khoán lớn, chứng khoán Hong Kong dẫn đầu đà tăng (tăng hơn 3%), khi nhóm cổ phiếu công nghệ nối dài đà tăng giá gần đây sau khi hãng Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã mời nhà đồng sáng lập Alibaba Jack Ma và các doanh nhân hàng đầu khác đến gặp các quan chức cấp cao của Bắc Kinh. Điều này làm dấy lên hy vọng về sự hỗ trợ mới dành cho khu vực tư nhân.

Giá cổ phiếu của Alibaba tăng 6,3%, trong khi cổ phiếu của JD.com và Tencent đều tăng giá hơn 7%.
Các thị trường châu Âu kết thúc phiên 14/2 với diễn biến trái chiều, trong đó chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,4% xuống 8.732,46 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,4% xuống 22.513,42 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,2% lên 8.178,54 điểm.

Thị trường chứng khoán toàn cầu tuần qua nhìn chung đã chứng kiến sự biến động và phản ứng phức tạp trước nhiều yếu tố khác nhau, từ chính sách thương mại của Mỹ, dữ liệu lạm phát, đến những đồn đoán về tình hình địa chính trị. Mặc dù thị trường cho thấy khả năng phục hồi và thích ứng, nhưng cũng không thiếu những lo ngại tiềm ẩn.

Mức tăng của thị trường chủ yếu được thúc đẩy nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là các công ty liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này cho thấy sức hút của ngành công nghệ và AI đối với nhà đầu tư, bất chấp những rủi ro vĩ mô. Các nhà sản xuất kim loại của Mỹ cũng hưởng lợi từ chính sách thuế quan mới.

Minh Hằng/TTXVN (Tổng hợp)
Thị trường vàng lại lên 'cơn sốt'
Thị trường vàng lại lên 'cơn sốt'

Giá vàng đang trải qua một đợt "sóng thần" chưa từng có, liên tiếp phá vỡ các kỷ lục lịch sử. Giới chuyên gia nhận định, đằng sau cơn sốt này là bóng dáng của chính sách thuế quan cứng rắn từ Mỹ, biến kim loại quý thành nơi “tránh bão" cho giới đầu tư toàn cầu, nhưng đồng thời cũng gây ra những hệ lụy khó lường cho ngành kim hoàn và nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN