Trong khi đó, số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và xuất khẩu của Mỹ giảm, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng trung ương Canada ngày 7/6 đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4,75%, sau khi Australia nâng lãi suất lên mức cao của 11 năm hôm 6/6.
Nhà phân tích thị trường Chris Beauchamp của nền tảng giao dịch trực tuyến IG cho hay tâm lý ưa rủi ro đã lung lay sau số liệu thương mại yếu kém của Trung Quốc và sản lượng công nghiệp đáng thất vọng của Đức. Tuy nhiên, việc một ngân hàng trung ương có quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ thứ hai trong nhiều ngày đã khiến chứng khoán một lần nữa giảm xuống.
Chứng khoán châu Âu đã xóa sạch đà tăng trước đó. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,1% xuống 7.624,34 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 0,2% xuống 15.960,56 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris giảm 0,1% xuống 7.202,79 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,1% xuống 4.291,91 điểm.
Tại New York, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,3% xuống 13.104,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,4% xuống 4.267,52 điểm, trong khi giá cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng đã giúp chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 0,3% lên 33.665,02 điểm.
Cuộc họp của Fed vào tuần tới, các nhà đầu tư hy vọng các nhà hoạch định chính sách có thể không tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp do dữ liệu gần đây cho thấy việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn một năm qua đã bắt đầu có hiệu lực.
Một báo cáo việc làm trái chiều trong tuần trước, cho thấy việc tuyển dụng tăng nhưng tốc độ tăng lương chậm hơn, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn khỏe mạnh và sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng trung ương bỏ qua việc tăng lãi suất trong tháng này ngay cả khi lạm phát vẫn còn cao.
Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi tình hình Trung Quốc, khi nhiều báo cáo cho biết các nhà chức trách đã yêu cầu các ngân hàng lớn nhất đất nước hạ lãi suất tiền gửi để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc đang phải vật lộn để phục hồi sau nhiều năm đóng cửa vì đại dịch COVID-19.
Các nhà phân tích cho biết một động thái như vậy có thể cho thấy ngân hàng trung ương Trung Quốc đang xem xét cắt giảm lãi suất ngay trong tháng này. Điều này được đưa ra khi ngày 7/6, số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm hơn 7% trong tháng 5/2023, nhiều hơn dự kiến và là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2023.
Chuyên gia Michael Hewson tại công ty tài chính CMC Markets cho biết sự thận trọng của nhà đầu tư là điều dễ hiểu bởi những số liệu công bố ngày 7/6 của Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất về dữ liệu kinh tế toàn cầu cho thấy triển vọng nhu cầu yếu, tại thời điểm lãi suất dường như sẽ tiếp tục tăng thêm.
Các số liệu thương mại này theo sau dữ liệu cho thấy hoạt động của nhà máy đang giảm xuống, nêu bật nhiệm vụ khó khăn mà các quan chức phải thực hiện để khởi động nền kinh tế.
Cùng với số liệu yếu kém của Trung Quốc, các thị trường đã phản ứng với thông tin hoạt động sản xuất công nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức, sụt giảm.
Dữ liệu thương mại của Mỹ trong tháng 4/2023 cũng gây lo ngại về triển vọng toàn cầu khi xuất khẩu giảm 3,6% so với tháng 3/2023, tương đương 9,2 tỷ USD.
Chốt phiên giao dịch 7/6, tại Việt Nam, VN-Index tăng 1,23 điểm lên 1.109,54 điểm. HNX-Index tăng 1,61 điểm lên 230,33 điểm.