Tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên này tăng 0,3% lên 34.108,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7% lên 4.019,65 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 1% và khép phiên ở mức 11.256,81 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương cũng đua nhau lên điểm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,8% lên 7.502,89 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 1,3% lên 14.497,89 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 1,4% và đạt mức 6.744,98 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này tăng 1,7% và khép phiên ở mức 3.986,83 điểm.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng của nước này trong tháng 11 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021, giảm từ mức 7,7% của tháng 10 và thấp hơn dự báo của thị trường. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là thước đo lạm phát được theo dõi chặt chẽ của kinh tế Mỹ. Mức giảm lớn hơn dự kiến trên sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, sau khi lạm phát giá sản xuất tỏ ra “nóng” hơn dự kiến vào tuần trước.
Nhà phân tích thị trường Patrick O'Hare tại chuyên trang tài chính Briefing.com cho biết điều quan trọng rút ra từ báo cáo là lạm phát nhìn chung đang hạ nhiệt và Fed nên giảm tốc độ tăng lãi suất. Nhiều khả năng trần lãi suất cuối kỳ sẽ thấp hơn ước tính trước đây.
Dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản khi cuộc họp kéo dài hai ngày kết thúc vào thứ Tư - một động thái chấm dứt chuỗi bốn lần tăng mạnh 75 điểm cơ bản trước đó.
Trong khi đó, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách "Zero COVID" vốn gây nhiều thiệt hại về kinh tế và mở cửa trở lại đã tiếp tục hỗ trợ tâm lý thị trường.
Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc sẽ nhóm họp trong tuần này để vạch ra kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Giới quan sát dự đoán chính phủ nước này sẽ có thêm các biện pháp kích thích và cam kết hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.
Nhưng các nhà đầu tư cũng lo lắng rằng việc nới lỏng nhanh chóng các biện pháp phòng dịch như xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa có thể dẫn đến số ca lây nhiễm mới tăng cao, gây áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 13/12, chỉ số VN-Index tăng 15,38 điểm lên 1.047,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 798,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 13.237,6 tỷ đồng. Chỉ số HNX-Index tăng 3,06 điểm lên 213,59 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 98,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.402,6 tỷ đồng.