Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 95,96 điểm (0,28%) lên 34.494,06 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 23,68 điểm (0,59%) lên 4.027,26 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 110,91 điểm (0,99%), đóng cửa ở mức 11.285,32 điểm.
Thông tin Fed nới lỏng hơn biện pháp siết chặt tiền tệ trong thời gian tới ngay lập tức đã khiến đồng USD giảm mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày 23/11 tại New York.
Chỉ số "đồng bạc xanh" của Mỹ giảm 1,07% xuống còn 106,076. Hiện 1 euro đổi được 1,0403 USD, tăng so với mức 1,0299 USD trong phiên giao dịch trước đó.
Trước đó, cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Washington, Fed đã công bố biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - đơn vị quyết định chính sách tiền tệ của Fed, hồi đầu tháng 11 cho biết ủy ban này nhất trí với kế hoạch giảm tốc tăng lãi suất để ủy ban "đánh giá tiến độ hướng tới các mục tiêu về việc làm và ổn định giá cả". Hầu hết các thành viên hội đồng quản trị của Fed đều sẵn sàng điều chỉnh mức tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo về chính sách lãi suất, dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.
Để "ghìm cương" lạm phát đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm qua, từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã 6 lần tăng lãi suất trong đó có 4 lần thực hiện tăng mạnh 75 điểm cơ bản, theo đó biên độ lãi suất cho vay cơ bản của Fed lên khoảng 3,75% đến 4%.
Tỷ lệ lạm phát theo năm tại Mỹ đã giảm từ 8,2% trong tháng 9 vừa qua xuống còn 7,7% trong tháng 10. Mức giảm này vượt dự kiến của giới phân tích, song không đủ để Fed ngừng tăng lãi suất bởi tỷ lệ lạm phát này còn quá cao so với lạm phát mục tiêu 2% mà Mỹ đề ra.
Những lo ngại về một cuộc suy thoái tiếp tục đeo đuổi Mỹ, với một số nhà kinh tế hàng đầu cảnh báo rằng điều này có thể xảy ra vào mùa Xuân năm 2023, tùy thuộc vào việc tăng lãi suất của Fed và các yếu tố khác. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, thước đo giá trị hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế, đã giảm hai quý liên tiếp trong năm nay trước khi tăng trong quý III/2022, chủ yếu do xuất khẩu tăng mạnh.