Chốt phiên giao dịch ngày 12/7, cả 3 chỉ số chứng khoán chủ lực trên sàn chứng khoán Phố Wall đồng loạt lập kỷ lục, phản ánh tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư về đà phục hồi kinh tế đã "lấn át" những quan ngại về lạm phát và sự lây lan mạnh của biến thể Delta. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên mức cao mới 34.996,18 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0,2% và khép phiên ở mức 14.733,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,4% và đóng cửa ở mức 4.384,63 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt lên điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này tăng 0,6% và khép phiên ở mức 4.093,38 điểm. Chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) nhích 0,1% lên 7.125,42 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 0,7% lên 15.790,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 0,5% và đóng cửa ở mức 6.559,25 điểm.
Các nhà đầu tư đang lạc quan một cách thận trọng về mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, bắt đầu từ ngày 13/7. Hai "đại gia" ngân hàng JPMorgan Chase và Goldman Sachs sẽ thông báo báo cáo kinh doanh trong ngày này. Các ngân hàng Bank of America, Citigroup, Wells Fargo, hãng hàng không Delta Air Lines và tập đoàn đầu tư BlackRock sẽ công bố lợi nhuận vào ngày 14/7. Morgan Stanley, Truist và UnitedHealth sẽ thông báo vào 15/7.
Chuyên gia Sam Stovall, Công ty Nghiên cứu đầu tư độc lập CFRA Research (Mỹ), dự báo đây sẽ là quý ghi nhận kết quả báo cáo kinh doanh mạnh thứ hai trong 25 năm qua. Trong khi đó, ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư tại Công ty Quản lý quỹ Cresset Wealth Advisors, nhận định: "Đa phần nhà đầu tư đang kỳ vọng mùa công bố lợi nhuận này sẽ có nhiều con số cao vượt trội. Nội dung quan trọng nhất có lẽ không phải là kết quả của 3 tháng qua mà là nhận định của ban lãnh đạo về triển vọng hoạt động trong tương lai".
Một sự kiện đáng chú ý khác trong tuần này là việc Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell sẽ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ trong các ngày 14 và 15/7. Người đứng đầu chi nhánh FED ở New York John Williams cho biết đà phục hồi trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt vẫn chưa đủ mạnh để ngân hàng trung ương bắt đầu rút lại các chương trình kích thích kinh tế.
Trái ngược với đà tăng trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 12/7, giá "vàng đen" thế giới đi xuống do lo ngại sự lây lan mạnh mẽ các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể đe dọa đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Chốt phiên này, giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm 39 cent (tương đương 0,5%) xuống còn 75,16 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Texas trên sàn New York giao tháng 8 mất 46 cent (tương đương 0,6%) xuống còn 74,10 USD/thùng. Trong tuần trước, giá cả hai mặt hàng này đều giảm khoảng 0,8%.